Trong hành trình xuyên Việt bằng xe ôtô, Nguyễn Ngọc Minh (28 tuổi, Sóc Trăng) cùng vợ và con gái 18 tháng tuổi đã cắm trại tại hai địa điểm ở Mù Cang Chải để ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín.
Mù Cang Chải là huyện phía tây tỉnh Yên Bái, nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Địa hình núi cao và hiểm trở do bị chia cắt mạnh, độ dốc trung bình của toàn huyện là 40 độ, có nơi lên tới 70 độ C.
Ruộng bậc thang là cách thức để con người thích ứng với thiên nhiên ở địa hình đồi núi dốc để tạo nên những thửa ruộng bằng phẳng thuận lợi cho việc canh tác lúa nước. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là kiệt tác tạo nên bởi thiên nhiên và bàn tay con người từ hàng trăm năm qua. Năm 2018, ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tờ Telegraph của Anh đưa vào danh sách 12 địa danh ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.
Năm 2019, danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải tập trung ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình, với diện tích khoảng 330ha trong tổng số 2.200ha trên toàn huyện, theo trang web cổng thông tin Sở Du lịch TP Hà Nội.
Là người đam mê trải nghiệm và yêu thích những cung đường Tây Bắc, đối với Minh, Mù Cang Chải là một trong những điểm cắm trại tự túc trong hành trình xuyên Việt mà anh đã lên kế hoạch. Anh đến đây vào giữa tháng 9 để được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên của Tây Bắc, đặc biệt là mùa lúa chín.
Địa điểm cắm trại đầu tiên của gia đình anh Minh là trên đường hướng lên đỉnh đèo Khau Phạ, thị trấn Mù Cang Chải.
Khu vực dựng trại là một bãi đất trống rộng khoảng 300m2, nằm ven đường lên đèo, dễ dàng tìm kiếm và thuận lợi di chuyển do đường đèo đã được đổ bê tông, bằng phẳng.
Vị trí cắm trại có độ cao khoảng hơn 1000 m so với mực nước biển, một bên là vách núi, một bên là vực. Từ độ cao này, du khách có góc nhìn toàn cảnh để chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang của danh thắng Mù Cang Chải. “Ngay cả khi lúa còn xanh, ruộng bậc thang Mù Cang Chải vẫn mang một vẻ đẹp riêng”, anh Minh nói.
Phía dưới lan can gỗ là vườn hoa sắc trắng, hồng tím do người dân địa phương trồng làm điểm check in cho du khách, tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.
Anh Minh lưu ý khu vực này không có các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch như quán ăn, nhà nghỉ, cho thuê lều trại. Đến đây du khách nên chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thức uống, dụng cụ cắm trại.
Ngày thứ hai, gia đình anh Minh cắm trại ở cạnh một dòng suối trong xã Chế Cu Nha, cách thị trấn Mù Cang Chải khoảng 30km. Địa điểm này không có trên Google Map, du khách di chuyển đến xã Chế Cu Nha sau đó đi dọc theo hướng xuống thị trấn rồi nhờ người dân địa phương chỉ đường.
Để đến chỗ dựng trại, gia đình anh sử dụng xe ôtô gầm cao lội qua suối. Nếu đi xe máy, du khách có thể gửi xe ở nhà dân rồi mang đồ cắm trại qua suối để đảm bảo an toàn, anh Minh gợi ý.
Nơi hạ trại là một bãi đất trống bằng phẳng, phía trước khu ruộng bậc thang của người dân. Từ đây ngước lên có thể những mảng màu xanh rờn trải đều lên đỉnh đồi phía xa. “Bầu không khí trong lành và không gian yên tĩnh, mát mắt với màu xanh của cây cối, núi rừng giúp thư giãn đầu óc, xua tan đi những mệt mỏi, muộn phiền của cuộc sống thường nhật”, anh nói.
Khi màn đêm buông xuống, không gian trở tĩnh mịch và lạnh lẽo. Thời điểm anh đi, Mù Cang Chải nóng vào ban ngày nhưng lạnh về đêm, nhiệt độ có thể giảm xuống khoảng 15 – 17 độ C.
Vì vậy, trải nghiệm cắm trại tự túc ở Mù Cang Chải sẽ chỉ phù hợp với những người từng đi cắm trại qua đêm và trang bị đồ chuyên dụng như: lều gắn trên nóc xe, bàn ghế camping, dụng cụ nấu ăn, tủ lạnh di động, điện và bình trữ nước sinh hoạt. Theo anh Minh, với du khách đi phượt bằng xe máy, hai vật dụng quan trọng không thể thiếu là lều và túi ngủ.
Hiện ở Mù Cang Chải có nhiều đơn vị tổ chức tour cắm trại tại đây, du khách có thể tìm hiểu và book tour để đảm bảo an toàn và có trải nghiệm tốt nhất.
Mặc dù những cánh đồng ruộng bậc thang phủ dày đặc quanh thị trấn Mù Cang Chải, du khách nên đến Chế Cu Nha. “Nơi đây vừa có suối, vừa có ruộng bậc thang cùng với những đồi núi trập trùng rất hùng vĩ”, anh Minh nói. Trong những nơi gia đình anh từng cắm trại qua đêm, đây là một trong những địa điểm “đẹp và lãng mạn nhất”.
Lúa ở đây chín không đều do đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn. Do vậy, thời gian lúa chín và thời gian thu hoạch kéo dài hàng tuần, thậm chí cả tháng, giúp du khách có nhiều thời gian chiêm ngưỡng sắc vàng mùa thu của núi trời Tây Bắc.
Theo trang web Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, thời điểm đẹp nhất để đến Mù Cang Chải ngắm lúa chín là khoảng cuối tháng 9 đến tháng 10. Năm nay, theo chia sẻ của người dân địa phương, khoảng cuối tháng 10, mùa vàng ở Mù Cang Chải sẽ kết thúc khi người dân gặt hết lúa.
Quỳnh Mai
Ảnh: Nguyễn Ngọc Minh