YênBái – Thời gian qua, Yên Bái tập trung giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương, con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trong tỉnh để các địa phương trong và ngoài nước, các đối tác hiểu biết hơn về vùng đất và con người Yên Bái.
Những nét đặc sắc văn hóa dân tộc Thái tỉnh Yên Bái luôn được quan tâm giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước.
|
>>Yên Bái quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa
>>Yên Bái bảo tồn giá trị văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội
>>Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa con người Yên Bái trên chặng đường mới
Theo bà Lê Thị Thanh Bình – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Yên Bái, nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Yên Bái, cùng với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về ngoại giao văn hóa; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại …, ngành VHTT&DL tỉnh đã tập trung quảng bá các giá trị, hình ảnh đất và người Yên Bái.
Theo đó, ngành chỉ đạo các đơn vị xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân, đồng thời giới thiệu văn hóa, con người Yên Bái với bạn bè trong nước và quốc tế; tổ chức đoàn cán bộ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tiêu biểu của tỉnh đi học tập quản lý, phát triển du lịch trong và ngoài nước; biên tập, phát hành tờ rơi quảng bá tiềm năng, thế mạnh; con người, bản sắc văn hóa, danh lam thắng cảnh… của tỉnh Yên Bái.
Cùng với quảng bá các giá trị, hình ảnh đất và người Yên Bái, ngành VHTT&DL cũng tập trung bảo tồn và phát huy giá trị di sản, danh hiệu đã được công nhận thông qua xây dựng Đề án “Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Các hoạt động văn hóa đối ngoại được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị.
“Trọng tâm là thực hiện tốt các biện pháp bảo tồn, gìn giữ, đặc biệt là phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Nghệ thuật Xòe Thái, di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Lễ mừng cơm mới của người Mông; Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên… gắn với phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn…” – ông Phùng Thế Hoàng – Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTT&DL Yên Bái cho biết.
Đặc biệt là tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản Nghệ thuật Xòe Thái và những nét đặc sắc văn hóa dân tộc Thái tỉnh Yên Bái tới công chúng trong và ngoài nước tại một số sự kiện du lịch tại các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước. Nổi bật là sự kiện tham dự Hội nghị Xúc tiến Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và gặp mặt doanh nghiệp du lịch, báo chí tại TP. Hồ Chí Minh năm 2023.
Tại đây, Yên Bái đã giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng như: trải nghiệm “Nghệ thuật Xòe Thái” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; sản phẩm du lịch qua “Công nghệ ảnh 360” – ứng dụng tham quan các điểm du lịch của tỉnh Yên Bái trong thế giới ảo không gian ba chiều… thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước, quốc tế và người dân thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan.
Với Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc và Lễ hội Hoa ban tại Điện Biên tham gia Lễ hội, Trung tâm Quản lý Di tích và Phát triển du lịch tỉnh Yên Bái đã tham gia 3 gian hàng giới thiệu, trưng bày, cung cấp thông tin du lịch, giới thiệu sách, ảnh, tập gấp, tờ rơi, bản đồ du lịch, các chương trình du lịch, chào bán các tour, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch của tỉnh; Trình chiếu video quảng bá du lịch tỉnh Yên Bái; trình diễn sáo; tổ chức cho du khách thưởng thức trà quế tại gian trưng bày… gúp bạn bè, du khách có cơ hội được tìm hiểu thêm về đất và người Yên Bái…
Xác định ngoại giao văn hóa là trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, vì vậy, tăng cường vai trò của ngoại giao văn hóa trong các hoạt động đối ngoại của tỉnh sẽ tạo sự đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, góp phần vào thành công chung trong các hoạt động ngoại giao của Yên Bái.
Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Yên Bái là tăng cường sức mạnh mềm, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bền vững. |
Thành Trung