YênBái – Ngày 27/8, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên tổ chức “Ngày hội Pay Tái ” năm 2023 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Các diễn viên quần chúng trong trang phục truyền thống xếp chữ “Pay tái” trong Ngày hội.
|
Theo phong tục của người dân tộc Tày huyện Lục Yên, trước khi vào màn lễ hội sẽ mời một người có uy tín trong cộng đồng lên để đánh
trống khai hội, tiếng trống khai hội được cất lên như một lời mời gọi, thúc dục
mọi người về với quê hương, tiếng trống như xóa tan hết những điều không may và
tiếng trống làm cho không khí lễ hội thêm sôi động, náo nhiệt và vui tươi.
Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại ngày hội Pay Tái.
Năm 2023 là năm thứ
2 xã Lâm Thượng tổ chức Ngày hội Pay Tái với mong muốn tiếp tục gìn giữ
và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Tày. Theo đó, nội dung chương trình, cả phần
lễ và phần hội đều khai thác triệt để các nét truyền thống đặc trưng dân tộc
Tày như hát khắp, hát then, đặc sắc nhất là màn sân khấu hóa tái hiện phong tục
truyền thống “Pay Tái” (đi tết nhà ngoại) của người Tày.
>> Lâm Thượng náo nức đón khách trảy hội “Pay Tái”
Từ bao đời nay, cứ mỗi dịp rằm tháng Bảy hàng
năm, là đồng bào dân tộc Tày, Nùng huyện Lục Yên nói chung và đặc biệt là đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn xã Lâm
Thượng nói riêng đều tổ chức tết rằm tháng Bảy. Đó là tết lớn thứ hai sau tết
Nguyên đán, đây là một trong những phong tục, tập quán thể hiện những nét đẹp
trong văn hóa truyền thống dân tộc Tày, Nùng tạo nên một bức tranh văn hóa độc
đáo với nhiều sắc thái khác nhau.
Người Tày, Nùng từ xưa quan niệm rằng, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm
phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng và phải quán xuyến hương
khói thờ phụng ông bà, tổ tiên nhà chồng. Chính vì vậy, cứ đến ngày rằm tháng
Bảy hằng năm là dịp người phụ nữ cùng chồng, con sắm lễ vật trở về nhà bố mẹ đẻ, tự tay
chăm sóc cho cha mẹ của mình. Đây cũng là dịp chàng rể thể hiện tình cảm, lòng
biết ơn của con rể đối với bố, mẹ vợ của mình
đã có công sinh thành nuôi dưỡng và vất vả khó nhọc chăm sóc con gái đến khi
trưởng thành để mình kết duyên thành vợ chồng. Vì vậy, cứ đến ngày 14, 15 tháng 7 Âm lịch hàng năm, các gia đình dân
tộc Tày, Nùng lại tạm gác mọi công việc đồng áng để chuẩn bị ăn Tết rằm tháng
Bảy. Con rể người Tày, dù ở bản xa nào đó cũng chuẩn bị đồ lễ để “Pay Tái”.
Phần hội đã diễn ra nhiều hoạt động như: thi hẩm chúp cọ Tày (lợp nón cọ Tày), đan xoỏng mòn (một đồ đựng đan bằng tre); các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt dưới nước, đi cà kheo, chọi dê, leo cây măng mai, bắn nỏ, tức khang (đánh quay)….góp phần cho không khí ngày hội thêm sôi động, náo nhiệt (ảnh trên).
Cùng với trải nghiệm các nét văn hoá truyền thống, du khách đến với Ngày hội còn được tham quan, mua sắm tại các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương, tìm hiểu nghiên cứu
về trang phục dân tộc, tham gia các hoạt động trải nghiệm: leo núi, khám phá
hang động, tắm thác; thưởng thức các đặc sản ẩm thực nổi tiếng như vịt bầu, cá
bỗng, pẻng ít….
Thông qua các hoạt động Ngày hội nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phong trào
văn hoá văn nghệ; tăng cường quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về mảnh đất và
con người Lâm Thượng tới bạn bè và du khách gần xa. Đồng thời, khơi dậy và phát
huy mạnh mẽ những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, tiềm năng, lợi thế về phát
triển du lịch của mảnh đất Lâm Thượng, Lục Yên.
Bùi Minh – Duy Khánh