YênBái – Xác định thế mạnh về tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp, những năm gần đây, xã Hán Đà, huyện Yên Bình đã tập trung phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả có múi mang lại nguồn thu ổn định cho nhân dân.
Công chức Địa chính – Nông lâm xã Hán Đà (bên phải) trao đổi với ông Bùi Mạnh Cường về kỹ thuật chăm sóc cây bưởi.
|
>>Yên Bái phát triển thế mạnh cây ăn quả
>>Hán Đà tập trung phát triển cây chè
>>Định hướng nông nghiệp xanh ở Hán Đà
Trước đây, gia đình ông Bùi Mạnh Cường, thôn Phúc Hòa làm nghề máy xúc và tuy có diện tích đất rộng hơn 4 ha nhưng thay vì chuyên canh 1 loại cây trồng, ông lại trồng tràn lan từ cây lâm nghiệp đến cây lương thực, mỗi loại cây 1 ít nên hiệu quả kinh tế không cao.
Trong quá trình đi làm máy xúc ở các địa phương khác, nhận thấy cây bưởi có hiệu quả kinh tế cao, vậy là năm 2015, ông dồn vốn liếng, cải tạo diện tích đất chân đồi thấp để trồng bưởi. Ông lựa chọn các loại giống như: bưởi Thanh Hà, bưởi da xanh, bưởi Hòa Bình, bưởi Cát quế vì đây là giống bưởi quả to, chất lượng quả ngon, mẫu mã đẹp phục vụ tốt cho thị trường cuối năm.
Đến năm 2018, bưởi bắt đầu ra quả, vụ đầu tiên ông thu về được 30 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, ông tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay, ông có gần 2 ha bưởi. Năm 2022, ông thu về hơn 500 triệu đồng. Dự tính năm 2023 cây sai quả hơn, nếu giá cả thuận lợi thì 600 gốc bưởi các loại sẽ mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập gần 600 triệu đồng.
Ông Cường cho biết: “Vì đất đồi gò, cằn cỗi nên trước khi trồng, tôi đã tìm hiểu kỹ cách chăm sóc và tập trung cải tạo đất bằng các loại phân hữu cơ, vì thế mà cây bưởi của gia đình phát triển khá tốt. Nếu chăm sóc tốt, mỗi cây sẽ cho thu hoạch 2 – 3 tạ quả/vụ là chuyện bình thường. Thời điểm thu hoạch vào tháng 11, 12 âm lịch hàng năm, bán rất chạy trong dịp tết Nguyên đán. Hiện tại, vườn bưởi của gia đình tôi đã có người đặt trước gần 1 tháng nay rồi”.
Đây chính là thành quả của gia đình ông Cường đạt được trong việc mạnh dạn đi đầu xóa bỏ vườn tạp, thay thế các loại cây có giá trị kinh tế thấp bằng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn.
Nhận thấy tiềm năng và lợi thế mà cây có múi mang lại, thời gian qua, xã Hán Đà đã tích cực đề ra các giải pháp nhằm mở rộng quy mô, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây ăn quả có múi. Trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, khuyến khích cải tạo vườn tạp, tận dụng đất để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi để tăng quy mô, hình thành các vùng chuyên canh. Đến nay, toàn xã có 230 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu là bưởi các loại, sản lượng năm 2022 đạt 2.000 tấn, giá trị bình quân đạt gần 20 tỷ đồng.
Thổ nhưỡng ở xã Hán Đà phù hợp với trồng các loại cây ăn quả có múi nên tới đây, xã tiếp tục quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc hiệu quả; ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, tạo điều kiện cho người dân áp dụng vào việc chăm sóc, thu hái, bảo quản. Đặc biệt, là tuyên truyền, vận động các hộ tiếp tục duy trì chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn nhằm góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Phạm Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã Hán Đà cho biết: “Nhằm khuyến khích người dân phát triển sản xuất cây ăn quả có múi theo hướng hàng hóa, xã tập trung vận động, tuyên truyền các hộ dân chuyển đổi diện tích vườn tạp sang chuyên canh trồng cây ăn quả, xã phấn đấu mỗi năm trồng mới, cải tạo 15 ha cây ăn quả có múi.
Đồng thời, xã tổ chức tập huấn kỹ thuật về lựa chọn giống, phân, kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho từng loại cây theo giai đoạn sinh trưởng; kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, khoanh vỏ, kích thích ra hoa, chống rụng quả… nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Vận động các hộ dân thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác trồng cây ăn quả để hỗ trợ nhau về vốn, cây giống và thị trường đầu ra ổn định”.
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển cây ăn quả có múi, giúp nông dân thoát nghèo và làm giàu, đồng thời phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 của xã đạt trên 60 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 2%, thời gian tới, xã Hán Đà tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khảo nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; tăng cường liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả có múi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Thanh Tân