YênBái – Ngày 24/8, lãnh đạo Sở Công thương Yên Bái chủ trì Hội nghị nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến nông lâm sản trên địa bàn; triển khai các giải pháp đẩy mạnh hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị.
|
Dự Hội nghị còn có lãnh đạo, đại diện các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường và gần 30 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) chế biến nông lâm sản hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Công thương, những năm qua, ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm trên địa bàn đã từng bước được cơ cấu lại đúng định hướng, phù hợp vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị sản phẩm, thân thiện môi trường, nâng cao giá trị nông lâm sản, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Hiện, giá trị sản xuất chế biến ngành công nghiệp này chiếm khoảng 43% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh; hàng năm tạo công ăn việc làm cho khoảng 10.000 lao động, thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh khó khăn về thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông lâm sản còn đối mặt với khó khăn như: nguyên liệu đầu vào khan hiếm, dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các đơn vị thu mua nguyên liệu chế biến; nguồn lao động tham gia sản xuất thiếu, không ổn định; sản phẩm chế biến chè gặp khó khăn trong việc kiểm soát dư lượng chất bảo vệ thực vật; các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất…
Mặt khác, sự suy giảm trong hoạt động của nền kinh tế đã tác động mạnh đến khả năng chống chịu và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn, do đó, ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình khuyến công; một số đề án khuyến công trong quá trình triển khai phải điều chỉnh kế hoạch do không đảm báo tiến độ hoàn; việc hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn chưa phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, năng lực của các cơ sở công nghiệp nông thôn; nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ cơ chế, chính sách khuyến công, chưa tham gia do liên quan đến thủ tục hành chính…
Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã thẳng thắn đưa ra những khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ giải quyết như: về lao động phổ thông và lao động có tay nghề cao; về nguồn vốn, lãi suất ngân hàng; về thị trường tiêu thụ, về nguyên liệu, sự hấp thụ các chính sách của HTX, doanh nghiệp với các chính sách hỗ trợ của tỉnh…
Với tinh thần cầu thị, lãnh đạo một số sở, ngành đã tiếp thu, giải trình các vấn đề doanh nghiệp, HTX kiến nghị, đồng thời thông tin rõ hơn về các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với doanh nghiệp, HTX.
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm của tỉnh, Sở Công thương sẽ thường xuyên rà soát, nắm tình hình các doanh nghiệp, phối hợp với các sở ngành, địa phương, tham mưu với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; tập trung phát triển thị trường mới cho các sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống; tiếp tục xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chí của các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp vận hành có hiệu quả các website quảng bá sản phẩm, thương hiệu, ngành hàng…
Văn Thông