YênBái – Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết; các tiềm năng, thế mạnh từng bước được khai thác; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa giá trị cao, tăng thu nhập cho người nông dân… Đó là những khởi sắc trong sản xuất nông nghiệp huyện Văn Yên sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Lãnh đạo huyện Văn Yên thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tại xã Đông An.
|
>>Văn Yên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững
>>Văn Yên chú trọng nâng tầm sản phẩm nông nghiệp
>>Văn Yên phát triển kinh tế số ngành nông nghiệp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025 (giá so sánh 2010) giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản đạt 3.200 tỷ đồng, chiếm 21,5% sản trong GRDP.
Để đạt được mục tiêu đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện đã chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức; tích cực hưởng ứng phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tích cực kêu gọi, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp đồng thời bám sát nội dung các nghị quyết, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tổ chức thực hiện.
Theo ông Phạm Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, với những giải pháp cụ thể, hiệu quả, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản đã chuyển biến rõ rệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, trung bình đạt 7,8%/năm; 6 tháng đầu năm 2023 giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 đạt 1.560 tỷ đồng, cơ bản đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra; cơ cấu tổng sản phẩm nông – lâm nghiệp, thủy sản trong GRDP đạt 23,5%; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm khoảng 32,4%, ngành lâm nghiệp chiếm 36,8% trong khu vực nông – lâm, nghiệp, thủy sản.
Điều đáng nói, hiện nay, sản xuất nông – lâm nghiệp của huyện chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Theo đó, huyện ổn định diện tích lúa hiện có trung bình 6.000 ha/năm, với năng suất bình quân đạt 53 tạ/ha sản lượng 31.800 tấn; trong đó duy trì và phát triển vùng chuyên canh lúa với 1.000 ha thâm canh cho giá trị sản xuất trên 120 triệu đồng/ha/năm tập trung tại vùng Đại – Phú – An.
Huyện còn duy trì trên 4.000 ha sắn công nghiệp, hàng năm tạo ra sản lượng sắn củ tươi trên 80.000 tấn, cơ bản đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn và phục vụ nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn; vùng trồng quế tập trung với diện tích trên 52.000 ha; trong đó, diện tích quế tập trung là 25.359 ha tại các xã vùng chỉ dẫn địa lý của quế Văn Yên, hàng năm tạo ra sản lượng quế vỏ trên 6.000 tấn và 300 tấn tinh dầu quế phục vụ nhu cầu xuất khẩu của huyện.
Đây là sản phẩm chủ lực xuất khẩu nông sản của huyện trong những năm qua. Bên cạnh đó, tuy ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn nhưng với các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND tỉnh ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển tốt, theo hướng tập trung, hợp tác phát triển, liên kết tiêu thụ sản phẩm; 2 năm qua, hỗ trợ được 602/614 cơ sở chăn nuôi, đạt 98%.
Ngoài ra, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện có 38 sản phẩm, trong đó: 36 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao. Chương trình OCOP đã thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn.
Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện đã huy động, lồng ghép các nguồn lực; chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân trong việc đóng góp trí tuệ, công sức, vật lực xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhờ đó, toàn huyện có 18/24 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó: 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2023, huyện phấn đấu 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt xã NTM, đưa Văn Yên cán đích huyện NTM sớm hơn so với nghị quyết đã đề ra.
Thời gian tới, huyện Văn Yên tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp trên cơ sở phát triển những cây trồng, vật nuôi có lợi thế; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông – lâm nghiệp, kết hợp phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ và ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; phát triển mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp đa canh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa sinh thái sạch, công nghệ cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…
Thanh Phúc