YênBái – Một trong những nội dung quan trọng góp phần tạo sức mạnh và uy tín cho Đảng, tạo niềm tin của nhân dân vào Đảng là hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Trong nửa đầu nhiệm kỳ qua, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Yên Bái đã tích cực, chủ động tham mưu giúp Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện toàn diện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của đảng với nhiều nội dung đổi mới, thiết thực, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đồng chí Nguyễn Minh Toàn – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy tại Thị ủy Nghĩa Lộ.
|
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp uỷ, Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp tỉnh Yên Bái đã giám sát chuyên đề 1.246 tổ chức Đảng, 3.694 đảng viên (2.399 cấp uỷ viên); kiểm tra 5.453 tổ chức Đảng, 5.658 đảng viên (2.851 cấp uỷ viên).
Qua kiểm tra, giám sát, các tổ chức Đảng, đảng viên cơ bản thực hiện tốt nội dung được kiểm tra, giám sát. UBKT các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 39 tổ chức Đảng, 327 đảng viên; thi hành kỷ luật 15 tổ chức Đảng, trong đó khiển trách 11, cảnh cáo 4. Đồng thời, xem xét thi hành kỷ luật 547 đảng viên, trong đó khiển trách 325 đảng viên, cảnh cáo 124, cách chức 7, khai trừ 91; giải quyết tố cáo đối với 1 tổ chức Đảng, 16 đảng viên.
Quá trình kiểm tra, kết luận, xử lý kỷ luật được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bài bản, công tâm, khách quan theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, qua kiểm tra, giám sát đã kết luận đánh giá rõ ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vi phạm và chỉ đạo, xem xét xử lý nghiêm khắc đối với tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm đến mức phải kỷ luật nhằm tăng hiệu quả giáo dục, răn đe, phòng ngừa.
Có được kết quả đó là thời gian qua, UBKT các cấp đã bám sát Đề án số 04 ngày 01/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2021-2025”, trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chung cho cả nhiệm kỳ, đồng thời giao chỉ tiêu số lượng, chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát cụ thể, chi tiết đến từng chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, cấp uỷ.
UBKT các cấp đã luôn quan tâm đổi mới việc xây dựng, chỉ đạo xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm theo hướng rà soát, kết luận định hướng tổng thể việc xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, thanh tra để vừa đảm bảo phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”; tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn phức tạp, nhạy cảm để hạn chế chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung, thời gian.
Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, yêu cầu đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng cao hơn, nhiệm vụ nặng nề và phức tạp hơn.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Toàn – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Yên Bái thì thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến vị trí, vai trò, tầm quan trọng, tác dụng công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát đảm bảo chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ diện cấp ủy quản lý ở những nơi dễ xảy ra vi phạm.
Thực hiện tốt công tác tuyển chọn, quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ kiểm tra chuyên trách; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ kiểm tra; tích cực luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, cán bộ thuộc Đề án số 11-ĐA/TU ngày 08/8/2018 của Tỉnh ủy (Đề án “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”) về làm công tác kiểm tra và luân chuyển cán bộ cơ quan UBKT các cấp sang công tác ở các ngành, địa phương để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kiểm tra.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác giám sát thường xuyên; chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức Dảng, ủy ban kiểm tra, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan nhà nước với hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân để phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra nhà nước và hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội.
Đồng thời, tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.
Thanh Chi