YênBái – Chiều 19/8, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên đã khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc Dao. Hoạt động lần đầu tiên tổ chức tại vùng cao Tân Phượng đã thu hút đông đảo du khách tham quan trải nghiệm, góp phần quảng bá hình ảnh, con người và tiềm năng phát triển du lịch ở địa phương.
>> Rực rỡ sắc màu Ngày hội văn hóa các dân tộc Dao xã Tân Phượng (Lục Yên)
Các đồng chí lãnh đạo huyện Lục Yên tới dự và động viên Ngày hội văn hóa dân tộc Dao tại xã Tân Phượng.
Tại Ngày hội, người dân và du khách được tìm hiểu, ôn lại lịch sử văn hóa dân tộc Dao; thưởng thức các tiết mục văn nghệ, màn đánh trống khai hội. Đặc biệt, Ngày hội đã tái hiện trên sân khấu đám cưới của người Dao đỏ với lễ đón dâu, trích đoạn thổi kèn đón dâu.
Lãnh đạo huyện Lục Yên tặng hoa chúc mừng xã Tân Phượng.
Trong phong tục, đám cưới người Dao đỏ mang nhiều nét độc đáo riêng, khác biệt với các dân tộc anh em khác như: trong đám cưới có thổi kèn, đánh trống, cô dâu sẽ được nhà gái tự đưa đến nhà trai trong ngày cưới.
Bạn dâu trang điểm, chuẩn bị cho cô dâu trước khi về nhà chồng.
Trong đám cưới dân tộc Dao đỏ, phía nhà trai sẽ không tổ chức đi đón dâu mà nhà gái sẽ cử người đại diện cùng toàn thể gia đình nhà gái và anh em họ hàng đưa dâu về nhà trai.
Đôi trai gái khi đến tuổi trưởng thành và có tình cảm với nhau, gia đình nhà trai sẽ tổ chức dạm ngõ ăn hỏi, thống nhất các thủ tục theo bản sắc văn hóa và phong tục, tập quán dân tộc Dao. Khi đã thống nhất được sính lễ, hai bên gia đình sẽ chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới cho hai con.
Trong đám cưới người Dao không thể thiếu tiết mục thổi kèn
Trong đám cưới dân tộc Dao đỏ, phía nhà trai sẽ không tổ chức đi đón dâu như một số dân tộc anh em khác mà nhà gái sẽ cử người đại diện cùng toàn thể gia đình nhà gái và anh em họ hàng đưa dâu về nhà trai, thường thường khoảng 30 đến 60 người, tùy thuộc vào gia đình nhà gái có đông anh em hay không.
Ông chủ hôn là người trực tiếp tổ chức bái đường thành thân cho tân phu thê…
Trong lễ đám cưới, ông chủ hôn (tiếng Dao gọi là “vuôm dang tồm miền”), dịch ra tiếng phổ thông là “Thanh thủy đại nhân” có vai trò là người đại diện cho gia đình đứng đầu trong tổ chức đám cưới và là người trực tiếp tổ chức bái đường thành thân cho tân phu thê. Ông chủ hôn thường là người có vai vế trong dòng họ và phải biết cúng.
Và trao chén rượu giao bôi…
Cô dâu xinh xắn, duyên dáng trong ngày cưới.
Người dân và du khách vô cùng thích thú với màn tái hiện lễ cưới của người Dao đỏ.
Nằm trong chuỗi các hoạt động Ngày hội văn hóa các dân tộc Dao, xã Tân Phượng cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao, các trò chơi dân gian như đánh yến, đánh quay, ném còn, đi cà kheo; thi trưng bày gian hàng giới thiệu các sản vật nông, lâm sản đặc sản, độc đáo của đồng bào Dao và thi thêu thùa trang phục dân tộc Dao… thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham quan, trải nghiệm.
Nhiều tiết mục văn nghệ đậm bản sắc dân tộc Dao đỏ tại Ngày hội.
Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; là hoạt động giới thiệu, quảng bá, phát triển du lịch huyện theo Nghị quyết số 15 của Huyện uỷ Lục Yên về phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng và người dân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trên địa bàn.
Các đồng chí lãnh đạo huyện Lục Yên tham quan các gian hàng tại Ngày hội
Ngày hội văn hóa dân tộc Dao xã Tân Phượng lần đầu tiên được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, riêng có của dân tộc Dao, là niềm tự hào của người dân địa phương và để lại ấn tượng sâu đậm đối với du khách, góp phần quảng bá hình ảnh, con người và tiềm năng phát triển du lịch ở vùng văn hóa Dao Tân Phượng nói riêng, huyện Lục Yên nói chung.
Đức Toàn