Bài học về phát huy sức mạnh của toàn dân trong cuộc Cách mạng Tháng Tám mãi còn nguyên giá trị để chúng ta huy động sức mạnh toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển.
Sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. (Ảnh Tư liệu)
|
Trong những ngày Tháng Tám năm 1945, dưới sự dẫn dắt của 5 nghìn đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước đã nhất tề nổi dậy, đập tan ách thống trị của phát xít Nhật, thiết lập chính quyền cách mạng trên phạm vi toàn quốc. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời được những câu hỏi bức thiết nhất của Nhân dân. Vì thế, Nhân dân luôn sẵn sàng đi theo Đảng, cùng kề vai chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.
Bài học về tinh thần đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta kế thừa, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tại Hội nghị Trung ương 8, tháng 5/1941, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị đề ra chủ trương tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho dân nghèo, tiến hành giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng đất để tiến tới người cày có ruộng.
Chủ trương của Hội nghị đã thể hiện quan điểm lấy dân làm gốc, khoan thư sức dân để chuẩn bị cho sự nghiệp lâu dài của cách mạng. Trong thời điểm đó, với chính sách bóc lột tàn khốc, thực dân Pháp và phát xít Nhật bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, gây nên nạn đói khủng khiếp năm 1945, khiến cho hơn 2 triệu đồng bào bị chết đói. Người dân phải chống đói bằng cách ăn rễ cây, cỏ dại, tình cảnh đất nươc thật thê lương, ảm đạm.
Trước tình hình đó, để cứu nhân dân và đồng bào qua nạn đói, Mặt trận Việt Minh đã phát động Cao trào phá kho thóc Nhật, giải quyết nạn đói. Hàng trăm kho thóc được phá, hàng nghìn tấn thóc được chia cho dân nghèo.
Khẩu hiệu và hành động phá kho thóc giải quyết nạn đói của Đảng ta đã thể hiện tinh thần đặt lợi ích và mạng sống của người dân lên trên hết, trước hết. Vì thế mà khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Nhân dân đã một lòng ủng hộ, đi theo cách mạng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Tuấn Thành, Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích: “Chính quần chúng Nhân dân là những người đã đem tất cả sức lực, nhiệt huyết của mình để đi theo tiếng gọi của Đảng. Đó là một minh chứng rất cụ thể, về chủ trương Nhân dân là người tạo nên sức mạnh của cách mạng Việt Nam, trong bất cứ thời kỳ nào”.
Lần đầu tiên sau hơn 80 năm sống dưới ách đô hộ, thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam đã thoát khỏi thân phận, cuộc đời nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước. Dẫu con đường phía trước còn rất nhiều gian nan, thử thách, nhưng với tinh thần thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, mọi người dân đã cùng đoàn kết dưới cờ Đảng, chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền hòa bình mới giành được.
Ngày nay, đất nước đã được hòa bình, thống nhất, nhân dân được thừa hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân lại đặt ra những thách thức mới, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và cạnh tranh chiến lược giữa các nước đang diễn ra hết sức phức tạp, những vấn đề an ninh phi truyền thống nổi lên tác động sâu rộng đến đời sống của người dân.
Trước bối cảnh đó, việc huy động sức dân cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là một nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng.
Theo Tiến sĩ Sử học Hoàng Thị Hồng Nga (Khoa Lịch sử, Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), dù trong thời điểm, nhiệm vụ nào của cách mạng thì tinh thần yêu nước vẫn luôn được coi là mẫu số chung để quy tụ, tập hợp, đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
“Tinh thần yêu nước, khoan dung và sự cố kết cộng đồng, sự đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm và tâm hồn của mỗi người dân. Nó trở thành lẽ sống, trở thành chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Nó luôn luôn là mẫu số chung và kết thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc ta vượt lên mọi khó khăn, thử thách. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, sức mạnh của tinh thần yêu nước, của tinh thần cố kết dân tộc vẫn là một mẫu số chung, có một giá trị rất lớn”, Tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Nga phân tích.
Lòng dân là mạch nguồn tạo nên sức mạnh nội sinh, quyết định sự hưng thịnh, suy vong của quốc gia, dân tộc; là thành lũy kiên cố vững chắc nhất để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ thực tiễn lịch sử của Cách mạng Tháng Tám cho thấy, chỉ khi nào cách mạng giải quyết được bài toán lợi ích chính đáng và nguyện vọng bức thiết nhất của nhân dân, thì nhân dân sẽ một lòng tin và đi theo cách mạng. Đây cũng là nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
“Nói đến đoàn kết, trước hết phải nói đến lợi ích. Muốn có sự đoàn kết của một cộng đồng nào đó, thì phải có chí ít một điểm lợi ích chung. Huống hồ đây là cả một cộng đồng quốc gia dân tộc. Trong tình hình hiện nay, người Việt Nam chúng ta dù nhiều hay ít, chắc chắn có lòng yêu nước. Đó là giá trị văn hóa truyền thống hàng nghìn năm nay. Giá trị truyền thống đó sẽ bị mai một khi lòng yêu nước không được thử thách, bồi dưỡng, bồi đắp qua công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”.
Cách mạng Tháng Tám diễn ra cách đây 78 năm, nhưng tinh thần hào sảng và khí thế cách mạng của nó vẫn luôn là ngọn đuốc soi rọi để chúng ta hội nhập, mở rộng, phát triển đất nước. Những bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân trong sự kiện lịch sử này sẽ mãi còn nguyên giá trị để chúng ta huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trên con đường kiến tạo tương lai, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống ấm no, tư do, hạnh phúc của gần 100 triệu người dân trên đất nước Việt Nam.
(Theo VTC)