YênBái – Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện 50 nhiệm vụ (đề tài, dự án khoa học) khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp với tổng số kinh phí 41, 73 tỉ đồng, chiếm 76% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học.
Triển khai trong 3 năm từ 2021-2023, đến nay, đề tài “Sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo CORDYCEPS MILITARIS trên giá thể nhộng tằm tại tỉnh Yên Bái” đã cho ra sản phẩm nấm được đánh giá khá khả quan.
|
>> Yên Bái đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Hầu hết, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tập trung nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Quá trình thực hiện đã kịp thời bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh (ưu tiên các sản phẩm được đánh giá, cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao).
Các thành tựu khoa học – công nghệ đã được ứng dụng, phổ biến trong sản xuất như nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao. Trong giai đoạn 2021 – 2023, đã có 39 giống mới, trong đó 26 giống cây hoa màu, 3 giống cây lâm nghiệp, 9 giống cây dược liệu và 1 giống vật nuôi cùng các tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất đại trà, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới được triển khai, nhân rộng đến nông dân, như chương trình “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, chất lượng, sản lượng) và mô hình “công nghệ sinh thái”…
Tỉnh cũng đã xây dựng và áp dụng có hiệu quả các quy trình thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đối với nhiều loại cây trồng, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất sản phẩm an toàn so với canh tác truyền thống. Các quy trình công nghệ tiên tiến, các chế phẩm sinh học ưu việt, an toàn ngày càng được sử dụng phổ biến trong bảo quản nông phẩm.
Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học – công nghệ trong phát triển mở rộng diện tích và chủng loại cây dược liệu có ưu thế trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả bước đầu. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 4.000 ha cây dược liệu. Nhiều nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới nhằm bảo tồn, phát triển một số cây dược liệu như: khôi nhung, đương quy, hoài sơn, cà gai leo, cát sâm, sâm cau, hà thủ ô đỏ,… đã được thử nghiệm. Nhiều tổ hợp tác, nhóm hộ phát triển sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh được hình thành.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông lâm nghiệp đã có chuyển biến tích cực; nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được người dân đón nhận áp dụng nhân rộng trong thực tiễn sản xuất, đóng góp một phần vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thanh Chi