YênBái – Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được coi là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng và giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn. Trong hành trình đó, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) thời gian qua đã khẳng định vai trò chủ lực khi đóng góp nhiều sản phẩm chủ lực cho Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái.
Nhiều sản phẩm OCOP của Yên Bái được giới thiệu tới người tiêu dùng tại thủ đô Hà Nội.
|
>> Hành trình OCOP chinh phục người tiêu dùng
>>Yên Bái phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế
Thời gian qua, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được các địa phương chủ động triển khai hiệu quả, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp, HTX nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương.
HTX Quế Văn Yên được thành lập năm 2018 với ngành nghề kinh doanh chính là thu mua, sản xuất, kinh doanh (SXKD) các sản phẩm từ cây quế. Chương trình OCOP đã trở thành “chìa khoá” để HTX thay đổi tư duy, đường hướng SXKD. Từ SXKD nhỏ lẻ, HTX đã tiên phong khẳng định mình trên “sân chơi” OCOP, góp phần đưa quế Văn Yên trở thành sản phẩm chủ lực của Chương trình OCOP tỉnh Yên Bái.
Đến nay, HTX đã có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao gồm: bột quế Văn Yên, tinh dầu quế Văn Yên, lọ tăm quế, quế thanh, quế thuốc lá và tinh dầu sả chanh Văn Yên. Năm 2023, HTX đăng ký đánh giá thêm 1 sản phẩm để được công nhận sản phẩm OCOP là trà quế Hồng Sâm.
Sản phẩm OCOP của HTX đã được niêm yết và giao dịch trên 2 sàn thương mại điện tử lớn là Voso.vn và Postmart.vn và được tiêu thụ rộng rãi trong nước và bước đầu vươn ra thế giới thông qua trưng bày triển lãm tại Nhật Bản, Ả rập Xê út và các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Đại diện HTX này cho biết, chiến lược phát triển của HTX trong thời gian tới là, tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP mới từ quế và nâng tầm chất lượng sản phẩm để xuất khẩu ra các thị trường thế giới; xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế của HTX; phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo ra sản phẩm sạch, hữu cơ; gắn việc phát triển vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến.
Đồng thời, tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư cùng tham gia mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; từ đó, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, nhất là bà con dân tộc Dao.
Theo Liên minh HTX tỉnh, Chương trình “OCOP đã tạo sân chơi lớn cho khu vực KTTT với nòng cốt là HTX, tổ hợp tác. Tham gia Chương trình OCOP, các HTX, tổ hợp tác được tập huấn nâng cao năng lực về quản trị kinh doanh; thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; được hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…
Chương trình OCOP cũng góp phần chuyển đổi sản xuất của các HTX theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 193 sản phẩm (OCOP) được đánh giá, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 – 4 sao. Trong đó, có 21 sản phẩm đạt 4 sao; 172 sản phẩm 3 sao. Tính riêng giai đoạn 2019 – 2022, Chương trình OCOP đã huy động được 109 chủ thể tham gia, trong đó HTX đóng vai trò chủ đạo khi có 75 HTX và 1 tổ hợp tác là chủ thể tham gia, chiếm gần 70%.
Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, doanh số bán hàng của các cơ sở đều tăng lên so với trước khi tham gia Chương trình. Quan trọng hơn là một số sản phẩm đã vượt khỏi “lũy tre làng” xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Thời gian tới, với vai trò của mình, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển KTTT mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao để góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho thành viên, người lao động.
Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm phát triển các HTX gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp; các HTX nông nghiệp chuyên sâu gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; các HTX ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh. Cùng đó, tích cực hỗ trợ các HTX trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được chắp cánh bay xa, nâng tầm giá trị.
Văn Thông