Ngày 15/8, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị số 07, yêu cầu tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và bình ổn thị trường gạo trong nước.
Ảnh minh họa
|
Thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ, Sở Công thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp.
Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường; diễn biến tình hình thị trường trong nước, chủ động phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Công thương đề xuất các biện pháp xử lý đảm bảo an ninh lương thực và hiệu quả trong xuất khẩu gạo.
Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, chủ động theo dõi sát tình hình thương mại gạo thế giới, động thái của các nước xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ của các nước nhập khẩu, trao đổi cùng Hiệp hội để xây dựng phương án tổ chức sản xuất, giao dịch, đàm phán đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn sở tại, góp phần bình ổn giá lúa, gạo nội địa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
(Theo TNO)