Lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kế hoạch tăng 50.000 ha diện tích trống lúa nhằm đẩy mạnh thời cơ xuất khẩu gạo.
Nâng diện tích lúa thu đông (vụ 3) ở ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha để đón thời cơ giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ tăng. (Ảnh minh họa)
|
Trả lời phóng viên báo chí, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, kế hoạch tăng 50.000 ha diện tích trồng lúa đông (vụ 3) ở ĐBSCL là nhằm chớp thời cơ giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ tăng.
Theo tính toán, với năng suất trung bình 5,7 tấn/ha vụ ở vụ thu đông, nếu tăng thêm 50.000 ha, sẽ có thêm khoảng 325.000 tấn lúa, tương đương 200.000 tấn gạo để tăng cường xuất khẩu. Với giá xuất khẩu gạo như hiện nay, việc tăng thêm 50.000 ha lúa thu đông có thể đem về hơn 100 triệu USD.
“Trong điều kiện giá, nhu cầu gạo xuất khẩu tăng như hiện nay, việc mở rộng diện tích trồng lúa là phản ứng linh hoạt của Bộ NN&PTNT. Vấn đề này đã được lãnh đạo Bộ tính toán, điều chỉnh trên cơ sở đi khảo sát, phối hợp, thống nhất với các địa phương. Mỗi địa phương sẽ tăng một ít diện tích trồng lúa chứ không tập trung vào một địa phương nào”, ông Nguyễn Như Cường nói.
“Đây cũng không phải là vấn đề giao chỉ tiêu mà là phương án linh hoạt trong tình hình lúa gạo biến động. Bộ chỉ đạo Cục, Cục phối hợp với các địa phương, bàn bạc, thống nhất để lên phương án trồng thêm lúa ở các vùng đê bao. Vì sao lại phải trồng ở vùng đê bao? Vì để đảm bảo an toàn không bị lũ cuốn. Vấn đề nữa là diện tích phải được bố trí phù hợp để không ảnh hưởng đến vụ đông xuân 2023 – 2024. Mỗi một địa phương sẽ tập trung lên kế hoạch, đến thời điểm này đã có 350.000 ha”, ông Cường cho biết thêm.
Cũng theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, diện tích gieo trồng lúa năm nay của nước ta khoảng 7 triệu ha, với sản lượng khoảng 43 triệu tấn thóc/năm, tương đương 27 – 28 triệu tấn gạo.
Hiện Chính phủ đã chỉ đạo tăng dự trữ nguồn gạo quốc gia và năm nay nguồn cung vụ đông – xuân 2023 – 2024 đến sớm do nhuận 1 tháng nên Việt Nam hoàn toàn yên tâm về việc đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, lãnh đạo Cục Trồng trọt ủng hộ việc doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội để tăng cường xuất khẩu gạo.
Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, đến thời điểm này tổng diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm 2023 vẫn đảm bảo đạt 7,1 triệu ha, sản lượng 43 – 43,5 triệu tấn lúa (tương đương với 27 – 28 triệu tấn gạo) tăng trên 452.000 tấn lúa so với năm 2022. Sản lượng lúa sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu.
Hiện, Bộ đã giao các Cục: Trồng trọt, Thủy lợi, Bảo vệ Thực vật xem xét tình hình hạn mặn, xem có khả năng tăng diện tích vụ thu đông bao nhiêu là hợp lý.
Bộ cũng yêu cầu các cơ quan chuyên ngành trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu càng sớm càng tốt để mở rộng các thị trường mới, đa dạng hóa thị trường.
Về vấn đề an ninh lương thực, theo Bộ NN&PTNT, từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
(Theo VTC)