Đó là bộ sách ba tập “Thời gian và nhân chứng” (Hồi ký của các nhà báo) do Giáo sư Hà Minh Đức làm chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai, tháng 7/2023. Xuất bản lần đầu cách đây hơn 20 năm, nhưng ở lần tái bản này, Thời gian và nhân chứng tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.
Một bộ sách mang trong mình lịch sử
|
Trước hết, bộ sách này là kết quả sáng kiến của Giáo sư (GS) Hà Minh Đức khi năm 1990 ông đảm nhận cương vị Chủ nhiệm Khoa Báo chí Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), với mong muốn ghi lại cuộc đời, kinh nghiệm của những nhà báo nổi tiếng từ thời trước cách mạng, những nhà báo tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chớm bước vào thời kỳ đổi mới đất nước.
Những kinh nghiệm về cuộc đời, nghề nghiệp của các nhà báo gạo cội sẽ vô cùng hữu ích với người làm báo nói chung và những sinh viên ngành báo chí. Bởi họ là những nhân chứng lịch sử tin cậy, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng đã và đang đồng hành với những sự kiện quan trọng của đất nước trong quá trình giành tự do, độc lập, xây dựng và đổi mới.
Và quả thật, những nhân chứng trong bộ sách này dù tự viết ra hay kể lại những sự kiện trong cuộc đời làm báo của mình, thì mỗi câu chuyện đều mang trong mình lịch sử của nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là một phần lịch sử của đất nước chúng ta.
Dễ nhận thấy, bộ sách có bố cục khá linh hoạt, không theo thời gian, tuổi đời, tuổi nghề của nhân chứng mà được làm theo hình thức “cuốn chiếu”, bài viết, nhân vật nào có trước thì đưa vào sách trước, chứng tỏ những người tổ chức và biên soạn đã phải làm việc rất khẩn trương.
Tiếp cận, phỏng vấn, ghi chép về cuộc sống và chân dung hơn 40 nhà báo cư trú trên mọi miền đất nước, người thì đã cao tuổi, người thì đang bận rộn với những cương vị công tác quan trọng, là việc không dễ dàng.
Vì vậy, với những nhà báo còn sung sức, nhóm tổ chức và biên soạn đã đặt nhân chứng trực tiếp viết bài hoặc trả lời phỏng vấn; với những nhà báo sức khỏe đã suy giảm thì thực hiện theo hình thức người kể-người ghi, sau đó người kể thông qua nội dung lần cuối. Cách làm việc này khá hiệu quả.
Dưới sự chỉ đạo của thầy Hà Minh Đức, một số sinh viên, nhà báo trẻ lúc bấy giờ (nay nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà báo có vị trí trong làng báo nước nhà) đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ trong gần 10 năm để hoàn thành hơn 1.300 trang sách.
Trong bộ sách này, chúng ta được nghe những chia sẻ vô cùng quý giá về chuyện đời, chuyện nghề của những nhà báo, nhà văn nổi tiếng một thời.
Thế hệ lão thành có: Xuân Thủy, Hoàng Tùng, Tô Hoài, Quang Đạm, Xích Điểu, Nguyễn Thành Lê, Bảo Định Giang…; thế hệ tiền bối có: Hồng Hà, Trần Lâm, Đỗ Phượng, Phan Quang, Hà Đăng, Hữu Thọ, Thái Duy, Trần Bạch Đằng, Thanh Hương…; thế hệ những nhà báo trưởng thành trong kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược và bước vào thời kỳ đổi mới: Hồng Vinh, Trần Mai Hạnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Dương Kỳ Anh, Hàm Châu, Trần Đức Chính…
Qua chia sẻ của từng nhân vật có thể thấy, phần lớn các nhà báo đến với nghề tình cờ hoặc do nhiệm vụ được tổ chức phân công, rồi bị sự hấp dẫn của nghề cuốn đi; họ đã nỗ lực học hỏi không ngừng, vươn lên, sinh nghề tử nghiệp. Hầu hết họ trải qua giai đoạn làm phóng viên, bền bỉ phấn đấu, dấn thân, tận tâm cống hiến rồi mới trở thành những nhà báo nổi tiếng.
Ấn tượng xuyên suốt 1.300 trang sách là sự khách quan, trung thực với hàm lượng trí tuệ cao trong từng bài viết, tạo nên sức lôi cuốn độc giả từ những hồi ức tưởng chừng như khô khan. Cho dù ở cương vị nào thì những câu chuyện của các nhà báo đều được kể ra hết sức thẳng thắn bằng sự từng trải, sự hiểu biết phong phú, tôn trọng sự thật.
Bên cạnh chia sẻ những bí quyết cốt lõi cũng như phẩm chất cần có của người làm báo, các nhà báo đã không ngần ngại nói đến sự non nớt, ấu trĩ thuở mới bước vào nghề, những sai sót, vấp váp “động trời” của một nghề tuy nhiều ánh hào quang nhưng cũng được gọi là “nghề nguy hiểm”.
Việc viết báo và làm báo thường được nói vui là nghề “sai rồi mới biết”. Đó là một nghề mà nói như nhà báo Hữu Thọ “chủ quan là chết ngay, ngay cả những bậc đàn anh của tôi là những nhà báo nổi tiếng.
Mỗi bài báo phải là một nỗ lực mới, một sáng tạo mới” (tr.243, tập I). Thế mới thấm thía câu nói, không có con đường đến vinh quang nào trải toàn hoa hồng; thành công chỉ đạt được bằng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức cùng sự say mê nghề báo với cái tâm trong sáng, chính trực.
Trong 43 nhà báo xuất hiện ở bộ sách này, có tới gần một phần ba các nhà báo từng công tác hoặc gắn bó cả cuộc đời làm báo với Báo Nhân Dân. Đó là các nhà báo: Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hà Xuân Trường, Nguyễn Thành Lê, Phan Quang, Trần Kiên, Quang Đạm, Hà Đăng, Hữu Thọ, Hồng Vinh, Lê Bá Thuyên, Đinh Phong, Hàm Châu…
Không chỉ là những tên tuổi lẫy lừng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, nhiều nhà báo của Báo Nhân Dân đã trở thành những người giữ cương vị quan trọng trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng.
Bộ sách xuất bản tính từ lần đầu đã được hơn 20 năm. Phần lớn những nhà báo trong bộ sách này đã về với cõi vĩnh hằng, nhưng những điều họ để lại cho độc giả và những người làm báo thật quý giá.
Nhìn vào những mốc thời gian, chúng ta thấy sáng kiến và đóng góp của GS Hà Minh Đức là vô cùng quan trọng. Thời gian và nhân chứng cần tiếp tục được làm để ghi lại trung thực, chính xác lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là một phần lịch sử của đất nước.
(Theo NDO)