YênBái – Từ đầu năm đến nay, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh vẫn đạt kết quả tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2023 với chỉ số SXCN tăng trên 9%, giá trị đạt trên 16.920 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010). Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trung Lân – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh về vấn đề này.
Ông Phạm Trung Lân – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái.
|
P.V: Xin ông cho biết, từ đầu năm đến nay, SXCN trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như thế nào?
Ông Phạm Trung Lân: Trong 7 tháng đầu năm, ngành công nghiệp tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, trong nửa cuối năm 2022, do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, từ xung đột quân sự, kinh tế của các khu vực trên thế giới đã tác động sâu sắc tới phát triển kinh tế – xã hội của nước ta, của tỉnh ta và ngành công nghiệp Yên Bái.
Do ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới, nguồn cung không ổn định, thiếu xăng dầu cho sản xuất, vận chuyển làm cho chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất tăng cao; thị trường một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh như: sản phẩm sản xuất từ gỗ rừng trồng, chè, quế, sản phẩm may xuất khẩu… bị thu hẹp do nhu cầu bị thắt chặt. Cùng đó, tình trạng khô hạn của thời tiết nên thủy điện sản xuất điện cầm chừng, thiếu điện cho sản xuất công nghiệp…
Có thể nói, khó khăn chồng chất khó khăn và có những khó khăn không thể khắc phục được trong ngắn hạn, nhất là về thị trường suy giảm sức cầu là khó khăn chung của toàn thế giới. SXCN bị ảnh hưởng lớn, sản lượng và giá trị của một số sản phẩm giảm mạnh.
P.V: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn về công nghiệp – thương mại, Sở Công Thương đã triển khai những giải pháp nào để lĩnh vực SXCN có thể ứng phó với những khó khăn, thách thức nêu trên, thưa ông?
Ông Phạm Trung Lân: Để khắc phục các khó khăn, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến SXCN, Sở Công Thương đã tham mưu với tỉnh thực hiện nhiều giải pháp: tăng cường quản lý nhà nước của ngành, xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc với các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp (DN) có quy mô vừa và lớn để nắm tình hình nhằm kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN, địa phương để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tập trung thực hiện tốt “Ngày thứ 7 cùng dân và DN”; tổ chức các hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn; tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN đã được ban hành, phối hợp với các ngành hướng dẫn DN thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được giãn, giảm, hoàn thuế; đề nghị các ngân hàng triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.
Cùng đó, tăng cường thực hiện hỗ trợ DN trong khuyến công, xúc tiến thương mại, tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án SXCN mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu…
P.V: Bằng việc thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên, hoạt động SXCN trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Trung Lân: Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao có hiệu quả của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của các DN, cơ sở sản xuất… nên 7 tháng đầu năm 2023, các DN SXCN vẫn duy trì được sản xuất, một số sản phẩm có sản lượng tăng so với cùng kỳ như: Felspat bột, xi măng, đá CaCO3 bột, hạt, đá block, sứ cách điện, gạch xây dựng, hệ thống truyền tải, phân phối điện ổn định, an toàn phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, điện sinh hoạt và các hoạt động văn hóa, chính trị trên địa bàn tỉnh. Giá trị SXCN (giá so sánh 2010) dự ước đạt 9.285 tỷ đồng, tăng 7,68% so với cùng kỳ, đạt 54,9% kế hoạch tỉnh giao.
Dự kiến năm 2023, giá trị SXCN (giá so sánh 2010) ước đạt 16.920 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch, tăng 9% so với năm 2022; trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng ước đạt 1.075 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,35%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 13.530 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 79,96%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng ước đạt 2.200 tỷ đồng, chiếm 13%; ngành công nghiệp cung cấp nước, hoạt động và xử lý rác thải đạt 115 tỷ đồng, chiếm 0,68%. Chỉ số SXCN tăng 9%; cơ cấu công nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Duyên (thực hiện)