Một triển lãm quy mô về nghệ thuật sơn mài được mong chờ nhất năm 2023, vừa được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Một triển lãm quy mô về nghệ thuật sơn mài được mong chờ nhất năm 2023 với sự tham gia của 10 họa sĩ nổi tiếng vừa được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Dấu ấn 3 thế hệ sơn mài
Bắt đầu mở cửa từ ngày 3/8, công chúng yêu nghệ thuật sơn mài có 5 ngày để thưởng lãm các tác phẩm của 10 họa sĩ tài danh: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, Nguyễn Xuân Lục, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Đoan và Phạm Trà My.
Trong không gian trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), ngay từ phút khai mạc triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” đã đông kín khách mời và công chúng mộ điệu. Sự thu hút này bắt nguồn ngoài lý do một triển lãm quy mô được mong chờ, còn là một sự kiện nghệ thuật đánh dấu bước chuyển mình của hội họa truyền thống hướng tới 100 năm “ngày sinh” của nghệ thuật sơn mài.
Quay ngược vài thế kỷ trước, khoảng năm 1470 có một người tên là Trần Lư được ghi nhận là ông tổ nghề sơn Việt Nam. Trần Lư từng đi sứ nước ngoài, học được nghề sơn và sau đó truyền lại cho người dân làng Bình Vọng (nay là xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội).
Tuy nhiên, qua rất nhiều các cuộc khai quật khảo cổ từ những ngôi mộ táng ở Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương… lại cho kết quả về nghề sơn đã xuất hiện ở Việt Nam trước năm 1470 vài thế kỷ. Người xưa đã có kỹ thuật hom, bó sơn hoặc pha chế nhựa sơn màu và nước sơn, biết vẽ và sáng tạo ra những mẫu trang trí, biết đắp nổi sơn và chạm trổ.
Tuy nhiên cũng thấy rằng nghề sơn thời kỳ này mới ở mức sơ khai “tô màu” phủ tượng hoặc các vật dụng chứ chưa mang ý niệm nghệ thuật. Mãi đến thế kỷ 18 – 19, sơn ta mới nổi bật và trở thành vật liệu chính điểm tô các bức tượng trên nền son đỏ.
Như vậy có thể thấy sơn ta đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam, nhưng chỉ từ khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập vào năm 1925, các họa sĩ mới bắt đầu đưa chất liệu này từ mỹ nghệ đến nghệ thuật. Hiệu trưởng Victor Tardieu cho phép họa sĩ Joseph Inguimberty cùng các học trò tìm hiểu và phục hồi để cải biến kỹ thuật sử dụng sơn ta, biến nó thành một chất liệu hội họa bản địa mang tinh thần và dấu ấn Việt Nam.
Bước đầu các họa sĩ Đông Dương thử thách dùng sơn ta vẽ như sơn dầu nhưng không thành công. Bởi vậy, họ quyết định phải tìm ra một lối đi khác cho sơn mài. Và người được nhắc đến nhiều nhất trong thế hệ đầu tiên là Nguyễn Gia Trí.
Dưới sự ảnh hưởng của Hiệu trưởng thứ 2 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là Evarite Jonchère, các họa sĩ sơn mài thế hệ thứ 2 là Lê Quốc Lộc, Hoàng Tích Trù, Phạm Hậu… nghệ thuật thiên về lối trang trí để tận dụng thế mạnh của mỹ nghệ truyền thống. Thế hệ thứ 3 được cho là đã thay đổi quan niệm về sáng tác trên sơn mài là Nguyễn Sáng và Nguyễn Tư Nghiêm.
Công chúng và khách mời đến dự khai mạc triển lãm.
Định hình sơn mài đương đại
Sự dịch chuyển của sơn mài qua các thời kỳ đặt ra câu hỏi là thế hệ thứ 4 đang thực hiện những gì, cũng như cái đang tiếp diễn có thể sẽ đóng vai trò thế nào? Câu hỏi này không dễ trả lời nên triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” qua việc trưng bày tranh của các “môn phái” sơn mài miền Bắc giúp công chúng tự định hình.
Triển lãm có thể thiếu tên một số họa sĩ quan trọng, nhưng với 10 họa sĩ có mặt đều là những người đang khai phá sơn mài theo cách riêng. Họ tiếp cận sơn mài thậm chí theo những quan điểm hoàn toàn trái ngược, kế thừa cổ truyền hay bác bỏ, để chất liệu dẫn dắt làm chủ hay hội thoại, phải quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, hay là cứ khai phá rồi sẽ tìm tiếp…
Trong đó nổi bật là Lý Trực Sơn, được biết đến với tư cách một họa sĩ sơn mài có đẳng cấp. Tuy nhiên gần đây, ông tạm gác chất liệu này sang một bên để quay trở lại với giấy dó truyền thống và tìm hiểu một lối vẽ mới, đó là thay thế màu công nghiệp bằng những màu sắc do ông tự chế từ cỏ cây, hoa lá.
Thế hệ trẻ có họa sĩ Nguyễn Xuân Lục đã theo học khảm trai và làm cho các xưởng khảm trai thủ công trong làng nghề từ năm 13 tuổi. Anh tiếp tục theo học chuyên ngành sơn mài chính quy để trở thành một họa sĩ sáng tác tranh sơn mài.
Với niềm đam mê và ý định kết hợp giữa sơn mài và khảm trai, Nguyễn Xuân Lục sử dụng kỹ thuật khảm trong môi trường làng nghề sơn mài như một nền tảng vững chắc để từ đó phát triển khía cạnh tự do, tính cá nhân và tư tưởng trong các sáng tác.
Trước khi mở triển lãm cá nhân “Bụi” vào năm 2019, Nguyễn Xuân Lục đã có 17 triển lãm nhóm với tranh sơn mài trong và ngoài nước. Bằng cách tiếp cận mới và mạnh dạn Nguyễn Xuân Lục đang trên hành trình đầy năng lượng để khám phá bản thân trong nghệ thuật, luôn thay đổi phản tư và có khi là quay trở về với chất liệu, tái nhận thức nó trong sự gặp gỡ.
Họa sĩ Triệu Khắc Tiến.
Triệu Khắc Tiến là họa sĩ đặc biệt trong triển lãm khi là giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, là người Việt Nam đầu tiên có bằng Tiến sĩ về tranh sơn mài tại Nhật Bản. Tranh sơn mài của Triệu Khắc Tiến hướng tới sự hoàn hảo khi kết hợp kỹ thuật của Nhật Bản và Việt Nam. Đó cũng là một con đường để anh cùng những thế hệ học trò sau như Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, Vũ Văn Tịch… khai phá nghệ thuật sơn mài Việt.
Người xưa có câu “sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người” là để nói về loại sơn ta hay làm bỏng vì có quá nhiều axit nên không phải ai cũng làm được. Sơn mài được coi là đặc sản và đặc trưng của mỹ thuật Việt, thế nhưng họa sĩ vẽ sơn mài đã ít, so với các loại tranh khác lại khó thực hiện.
Bởi vậy, triển lãm “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” không chỉ để thấy sự dịch chuyển nghệ thuật mà còn thấy cả những gian nan trong việc lựa chọn và thực hành văn hoá truyền thống.
(Theo GD&TĐ)