Sau 17 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã ghi dấu ấn về tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những thành tựu có được là động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành quốc gia cạnh tranh và hiện đại.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long (tỉnh Bạc Liêu).
|
Vào tốp 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới
Trong chuyến thăm tới Việt Nam hồi tháng 5-2022, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá cao tăng trưởng kinh tế, thương mại đầy ấn tượng của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không mấy khả quan.
“Việt Nam là tấm gương sáng về tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó thúc đẩy thương mại và đầu tư, tham gia thành công vào tiến trình toàn cầu hóa và tái định hình chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế”, bà Ngozi Okonjo-Iweala nói.
Đánh giá này dựa trên những thành tựu kinh tế, thương mại, đầu tư nổi bật mà Việt Nam đạt được kể từ khi gia nhập WTO 17 năm trước (ngày 11-1-2007). Thành tựu nổi bật nhất là Việt Nam đã trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, duy trì xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, duy trì nền kinh tế có độ mở cao, tới 200% GDP. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gần 8 lần so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO (từ 48 tỷ USD năm 2007, lên cao nhất là 371,85 tỷ USD năm 2022); vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện đạt khoảng 23,18 tỷ USD năm 2023. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng âm trong năm 2023 thì Việt Nam là điểm sáng với tăng trưởng GDP đạt 5,05%.
Theo Bộ Công Thương, từ khi gia nhập WTO, thương mại quốc tế của Việt Nam đã tăng 6,6 lần. Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn, trong đó có cả những công ty công nghệ cao và đang từng bước vươn lên trong chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu. Riêng trong năm 2023, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng 160 USD so với năm 2022, lên 4.284 USD. Tăng trưởng GDP cao nhất là năm 2022, đạt trên 8%.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, thị trường và quan hệ thương mại quốc tế tiếp tục được mở rộng. Việc kết thúc đàm phán với Israel và ký biên bản kết thúc đàm phán có điều kiện với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã mở cánh cửa vào thị trường Trung Đông với quy mô GDP khoảng 2.000 tỷ USD. Trên cơ sở nền tảng các quy tắc của WTO, đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác, trong đó hầu hết là những nền kinh tế lớn, phủ rộng khắp các châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu.
Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, hội nhập quốc tế và gia tăng mức độ tự do kinh tế, trong đó có những cải cách chính sách kinh tế trong khuôn khổ WTO và các FTA đã tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển, ngày càng trở thành một quốc gia cạnh tranh và hiện đại.
Tuy nhiên, hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới cũng tạo ra không ít thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga đánh giá, hàng hóa nước ngoài được hạ thuế quan có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trong khi đó, nhiều ngành hàng xuất khẩu phải đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng gia tăng ở nhiều thị trường. Đến nay có 24 thị trường đã thực hiện hàng trăm vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, trong đó có cả thị trường lớn như Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động nắm chắc biến động kinh tế thế giới và khu vực; tăng cường năng lực dự báo, đề xuất hướng đi linh hoạt nhằm phản ứng nhanh chóng với chính sách mới của các đối tác. Bên cạnh đó là việc nâng cao chất lượng thể chế; hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách, đồng bộ, tương thích với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, Bộ cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng xuất khẩu, đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Điều này giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động ứng phó và xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu để giảm thiểu tác động tiêu cực.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để hội nhập hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thị hiếu thị trường, đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường; cùng cơ quan chức năng củng cố nội lực, hướng tới nền kinh tế tự lực, tự cường, sẵn sàng bước vào các “sân chơi” thương mại lớn.
(Theo HNMO)