Những năm trở lại đây, xu hướng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã được nhiều nông dân, HTX trên địa bàn huyện Yên Khánh chọn lựa bởi không chỉ tạo ra sản phẩm gạo sạch, thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn tác động tích cực đến môi trường, sức khỏe con người.
Hơn chục năm trước, do áp lực mùa vụ cộng thêm tình trạng thiếu lao động mà Yên Khánh đã trở thành một trong những huyện đi đầu trong việc ứng dụng phương thức gieo sạ trong sản xuất lúa. Có những thời điểm, tỷ lệ lúa gieo sạ của huyện đạt trên 80%. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng, phương thức sản xuất này đã bộc lộ nhiều yếu điểm. Trước tiên là những rủi ro khi thời tiết diễn biến thất thường, hơn nữa lúa gieo thẳng cần sử dụng lượng thuốc diệt cỏ, diệt ốc bươu vàng nhiều hơn so với lúa cấy, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới môi trường.
Nhìn nhận được điều này, ngành Nông nghiệp Yên Khánh phối hợp với các địa phương vận động nhân dân ngưng gieo sạ và chuyển đổi sang hình thức cấy máy, cấy tay gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên, để thay đổi một thói quen, một tập quán canh tác là điều không đơn giản, nhất là trong bối cảnh lao động nông nghiệp bị thiếu hụt, nhiều hộ không mặn mà với đồng ruộng.
Chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ, phần lớn bà con chỉ tranh thủ lúc ngoài giờ, ngày nghỉ gieo thẳng lúa với tâm lý “được ăn cả, ngã về không”. Những cảnh báo liên quan đến sức khỏe, môi trường từ việc lạm dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu chưa được bà con lưu tâm do chưa nhìn thấy tác động trực tiếp.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Trước những khó khăn nêu trên, chúng tôi xác định phải kiên trì tuyên truyền, hội nghị nào cũng lồng ghép, phổ biến về tác hại của lúa gieo sạ, hiệu quả mà sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đem lại. Phòng cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các xã, thị trấn xây dựng các mô hình trình diễn để bà con nông dân có thể so sánh.
Đồng hành là hàng loạt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, của huyện. Ngoài ra, đầu mỗi vụ sản xuất, huyện đều giao chỉ tiêu tỷ lệ lúa cấy cho từng địa phương và coi đây là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ những giải pháp đồng bộ nêu trên nên vụ Đông xuân năm 2022-2023, tỷ lệ diện tích cấy tay, cấy máy, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện đã đạt 50% tổng diện tích gieo cấy. Trong đó, diện tích áp dụng cấy máy là 20%.
Hiện nay, toàn huyện có khoảng 20 máy cấy lớn và khoảng 200 máy cấy dắt tay. Diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ có liên kết với đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm mở rộng ra hơn một nghìn ha. Khánh Trung là một trong những địa phương dẫn đầu huyện Yên Khánh trong việc chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng đặc sản, hữu cơ, có liên kết bao tiêu sản phẩm.
Ông Phạm Ngọc Duân, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Để thay đổi nhận thức của người dân về chương trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, bảo vệ môi trường, trước tiên chúng tôi đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng bộ xã ra nghị quyết yêu cầu cán bộ, đảng viên phải cấy lúa, tuyệt đối không được gieo sạ.
Điều đáng mừng là sau nhiều vụ áp dụng quy trình sản xuất lúa an toàn, theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ ốc, chăm bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ, đồng ruộng đã có sự khác biệt, cua, cá xuất hiện ngày càng nhiều. Sự thay đổi tích cực đó là cơ sở để bà con nông dân tự nguyện làm theo.
Được biết, chính những chuyển biến mạnh mẽ trong phương thức sản xuất lúa ở Yên Khánh đã và đang tạo sức hút với nhiều doanh nghiệp tìm về huyện để liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.
Ông Đinh Xuân Quyết, Phó Giám đốc Công ty Thiện Phú cho biết: Người tiêu dùng ngày càng khắt khe, sản phẩm không chỉ ngon mà phải đảm bảo được các yếu tố về an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất phải thân thiện với môi trường thì mới có cơ hội thâm nhập vào thị trường. Chúng tôi tin tưởng vào cách làm bài bản của nông dân Yên Khánh.
Hiện Công ty đang liên kết với các xã Khánh Trung, Khánh Nhạc, Khánh Cường để sản xuất giống lúa Hạt ngọc thiên hương, định hướng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhằm xây dựng thương hiệu lúa gạo sạch Yên Khánh, huyện Yên Khánh đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ diện tích lúa của địa phương sẽ được cấy bằng máy hoặc cấy bằng tay. Ngoài duy trì mở rộng diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, huyện sẽ xây dựng các mô hình sản xuất chuẩn hữu cơ, kết hợp với làm du lịch, từ đó giúp cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu