Người dân xóm Đá Mài (xã Yên Đổ, Phú Lương) chăm sóc rừng trồng. |
FSC là tên viết tắt của Forest Stewardship Council - Hội đồng quản lý rừng. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được thành lập, nhằm thúc đẩy quản lý rừng bền vững trên toàn cầu. Sản phẩm có chứng chỉ FSC được công nhận ở thị trường quốc tế, nhất là châu Âu và Bắc Mỹ.
Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC sẽ giúp các chủ rừng xuất khẩu gỗ, ván… dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Giá trị của sản phẩm được nâng cao hơn, thu hút các doanh nghiệp thu mua với giá ổn định. Bên cạnh đó, người dân cũng dễ tiếp cận và hưởng hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức, dự án phát triển rừng bền vững…
Ông Trần Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Yên Đổ, cho biết: Trước đây, người dân trên địa bàn xã trồng, khai thác rừng chưa tuân thủ theo quy định, gây suy thoái môi trường, mất đa dạng sinh học… Khoảng 5 năm trở lại đây, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển rừng bền vững, xã đã tích cực phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tuyên truyền đến người dân trồng rừng có kế hoạch; gắn quản lý rừng với sinh kế người dân; thực hiện giám sát rừng; khuyến khích người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chứng chỉ FSC… Đồng thời phối hợp với Công ty TNHH Lâm sản Thái Hưng (đơn vị đầu tư, hợp tác quản lý rừng bền vững trên địa bàn huyện) triển khai cấp chứng chỉ FSC cho các hộ đủ điều kiện.
Khe Nác là xóm có diện tích rừng sản xuất nhiều nhất xã Yên Đổ, với gần 700ha, trong đó đã có 125ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Hộ trồng ít cũng có từ 2-3ha rừng, hộ trồng nhiều lên tới 10ha.
Ông Dương Quý Lợi, người dân xóm Khe Nác, thông tin: Gia đình tôi hiện có 7ha rừng. Để được cấp chứng chỉ FSC, tôi tuyệt đối không phun thuốc trừ cỏ mà dùng dao để phát; không đốt thực bì trước khi trồng rừng để bảo vệ lớp thảm thực vật tự nhiên trên bề mặt đất rừng; trồng cây theo mật độ 2,5m2/cây… Nhờ đó, môi trường sinh thái của rừng luôn đảm bảo; chất lượng gỗ khi xuất bán cũng tăng hơn vì cây không bị mọt, rỗng bên trong. Hiện nay, trung bình 1ha rừng sau 7 năm trồng, tôi bán được gần 100 triệu đồng (cao hơn 15 triệu đồng/ha so với trước).
Không chỉ xóm Khe Nác mà nhiều xóm khác có diện tích rừng lớn trên địa bàn xã Yên Đổ như: Đá Mài, Thanh Đồng…, người dân đã dần nhận thức và chăm sóc rừng trồng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Qua đó góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Xã Yên Đổ hiện có 56 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, tạo việc làm cho hơn 500 lao động tại địa phương. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Hùng Phát Wood gia công sản phẩm từ gỗ. |
Theo thống kê của xã UBND Yên Đổ, bình quân mỗi năm địa phương khai thác trên 11.000m3 gỗ các loại, đồng thời trồng lại trên 120ha rừng (vượt 20% nghị quyết đại hội Đảng bộ xã đề ra). Giá trị kinh tế 1ha rừng mang lại đạt từ 100-120 triệu đồng/ha (sau khoảng 7 năm trồng). Có thời điểm, nguồn gỗ khai thác không đáp ứng được nhu cầu của 56 cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn.
Cũng từ phát triển kinh tế rừng theo hướng FSC, năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 51 triệu đồng/người; số hộ nghèo giảm còn 44 hộ, chiếm 2,28% (giảm 3,82% so với năm 2022)…
Để hướng tới mục tiêu 100% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, ông Trần Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Yên Đổ, nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan khuyến khích người dân trồng rừng đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển rừng bền vững, đồng thời mở rộng diện tích rừng gỗ lớn để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; tuyên truyền bà con nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm quy định về quản lý rừng bền vững; đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm gỗ của bà con…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/yen-do-di-dau-trong-cap-chung-chi-rung-fsc-74a11d2/
Bình luận (0)