YênBái – Chị Lâm Thị Kim Thoa – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng (huyện Văn Chấn) và anh Phùng Bình Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh (huyện Yên Bình) là hai gương mặt đại diện cho khối kinh tế tập thể Yên Bái vừa vinh dự nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023. Nỗ lực vươn lên trên vùng đất khó đã mang đến thành công cho mỗi doanh nhân với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chất lượng làm nên thương hiệu
Đồng bào Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn từ lâu trìu mến gọi Giám đốc HTX Chè Suối Giàng Lâm Thị Kim Thoa là “cô gái Mông”, bởi chị là người đi tiên phong trong xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng nức tiếng, chinh phục được những thị trường khó tính, mang lại thu nhập và đời sống khá hơn cho đồng bào Mông nơi đây – những người gắn bó cả đời mình với cây chè cổ thụ.
Là người dân tộc Kinh quê gốc Hải Phòng song chị Thoa đã có hơn 30 năm sinh sống, làm việc trên mảnh đất “bốn mùa mây phủ”, nổi tiếng với cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nói thạo tiếng Mông và hiểu rõ văn hóa, phong tục tập quán của người Mông, chị Thoa cũng không biết tự bao giờ mình đã trở thành một “cô gái Mông” thực thụ.
Từng làm kế toán cho Công ty Thương nghiệp Yên Bái, được phân công lên Suối Giàng công tác, chị Thoa đã chứng kiến những nốt thăng – trầm của “đời chè”. Ăn chè, ngủ chè và ngậm đắng khi chè cổ thụ Suối Giàng khốn khó, mất giá trị trên thị trường, đồng bào Mông Suối Giàng mất đi nguồn thu nhập. Trăn trở với chè, chị Thoa đã vận động mọi người thành lập HTX Chè Suối Giàng vào năm 2007, chính thức hoạt động vào năm 2008.
Ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, chè Suối Giàng mất uy tín trên thị trường, chị Thoa cùng các thành viên trong HTX quyết tâm lấy lại uy tín, xây dựng thương hiệu cho chè Suối Giàng.
Với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, chị Thoa đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi, liên kết với doanh nghiệp để nâng cao giá trị cây chè. Từ chỗ chỉ vài nghìn đồng một cân chè búp tươi, đến nay giá chè búp đã dao động từ 20.000 đến 300.000 đồng/kg, làm đồng bào Mông Suối Giàng rất phấn khởi, tin tưởng nên càng có ý thức chú trọng chăm sóc, bảo vệ cây chè cổ thụ quý giá.
Là đầu tàu của HTX, Giám đốc Thoa đã tự mày mò, nghiên cứu, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm để sản xuất được 4 dòng trà: Diệp trà (trà xanh), Hồng trà (Trà hồng), Bạch trà (Trà trắng), Hoàng trà (Trà vàng) thay vì chỉ một dòng trà xanh truyền thống. Mỗi cân trà giờ đây có giá dao động từ 400.000 đồng đến 10 triệu đồng.
Sản phẩm Tuyết Sơn Trà của HTX chè Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
Thông qua sản phẩm chè, những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Suối Giàng đã được giới thiệu đến du khách, thúc đẩy phát triển du lịch. Nhắc đến HTX Chè Suối Giàng là nghĩ ngay đến Tuyết Sơn Trà – sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh vào năm 2019. Với những nỗ lực của “cô gái Mông” Lâm Thị Kim Thoa cùng tập thể HTX, cuối tháng 5/2022, sản phẩm Tuyết Sơn Trà đã chinh phục và có mặt tại thị trường khó tính hàng đầu thế giới là Nhật Bản – quê hương của trà đạo, tinh hoa văn hóa của đất nước Mặt trời mọc.
Nhâm nhi chén trà nóng, thưởng thức mùi hương của đất, của mây, của nước quyện trong hương chè, chị Thoa bùi ngùi nhớ về những ngày khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, thị trường đóng băng, sản phẩm tiêu thụ hết sức khó khăn. “Cái khó ló cái khôn”, chị Thoa đã chuyển từ việc bán hàng theo phương thức truyền thống sang vận dụng phương thức bán hàng hiện đại thông qua các trang mạng xã hội, livestream, nhận đơn, chốt đơn, giao hàng tại địa chỉ thông qua các công ty chuyển phát; tích cực tham gia các chương trình kết nối cung cầu bằng hình thức trực tuyến do Sở Công thương, Liên minh HTX tỉnh tổ chức…
Với phương thức bán hàng mới, sản phẩm cũng được biết đến rộng rãi, lượng khách cũng tăng hơn và doanh thu từ các sản phẩm chè cũng tăng theo từng năm. “Năm 2021, HTX có doanh thu trên 3 tỷ đồng; năm 2002 trên 3,5 tỷ đồng và năm 2023 dự kiến 4 tỷ có dư”, chị Thoa phấn khởi khoe.
Nhận thấy, trà và du lịch là 2 sản phẩm gắn bó tương hỗ cho nhau, 30 năm gắn bó với vùng đất khó Suối Giàng, chị Thoa đã vận động gia đình cùng hỗ trợ để xây dựng khu giới thiệu sản phẩm trà và các sản phẩm OCOP ” Bản Giàng Chân Mây” tại thôn Kang Kỷ, xã Suối Giàng. Đây là nơi, du khách được thưởng thức trà, học cách pha trà và được nghe các em gái dân tộc Mông chia sẻ câu chuyện về trà và văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông Suối Giàng, đặc biệt là nơi đào tạo con em người Mông có việc làm ổn định và có thêm kiến thức về trà.
Với những đóng góp cho vùng đất Suối Giàng, Giám đốc HTX chè Suối Giàng Lâm Thị Kim Thoa vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vào các năm 2016, 2019; Bằng khen của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2018. Năm 2022, chị Thoa cũng là 1 trong 10 cá nhân đã đạt “Công dân tiêu biểu tỉnh Yên Bái” và mới đây, chị được tôn vinh là 1 trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”. “Đây là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đánh thức được tiềm năng của Suối Giàng đã và đang “ngủ quên” để vùng đất này ngày càng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn đối với du khách”, chị Thoa tâm sự.
Thành công nhờ liên kết sản xuất
Chia tay Suối Giàng, chúng tôi tìm đến những vạt rừng xanh ngát của HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình. Giám đốc HTX Phùng Bình Minh mặt sạm đi vì nắng. Anh cho biết vừa đi kiểm tra lô rừng trồng của người dân đang có nhu cầu muốn bán. Giá gỗ rừng trồng hiện đang bấp bênh song HTX sẽ cố gắng mang lại lợi nhuận cao nhất, lợi ích nhiều nhất cho các thành viên.
Sinh ra và lớn lên gắn bó với rừng, anh Minh hiểu rất rõ những giá trị và lợi ích từ rừng mang lại song vì không liên kết, không vào HTX nên chủ rừng thường bị tư thương ép giá, hiệu quả kinh tế thấp. Nhận thấy tầm quan trọng từ việc liên kết sản xuất theo mô hình HTX, anh Minh đã đứng ra vận động, thành lập HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh vào năm 2017 với 7 thành viên, vốn điều lệ vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là sản xuất sản phẩm từ gỗ, trồng rừng, chăm sóc vườn ươm cây giống lâm sản, sản xuất sản phẩm từ Plastic.
Anh Phùng Bình Minh – Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh kiểm tra sản lượng gỗ rừng trồng của các thành viên trong HTX
Sau khi thành lập, HTX liên kết với Công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát xây dựng xưởng xẻ, được cấp chứng chỉ FSC với quy mô trên 4.000 m2.
Giám đốc Minh cho biết: Nhờ có chứng chỉ rừng FSC, HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh đã liên kết, tiêu thụ gỗ cho 31 nhóm hộ trồng rừng với khoảng 2.500 – 3.000 tấn gỗ xẻ; 900 – 1.000 tấn gỗ dăm giấy (diện tích khoảng 15 – 20 ha).
“Khi tham gia chương trình rừng chứng chỉ FSC, giá bán gỗ thường cao hơn giá thị trường từ 15-20%, thương hiệu sản phẩm rừng được nâng lên và sản phẩm gỗ có thể vào được thị trường khó tính của châu Âu và Mỹ. Nhờ được bảo vệ, chăm sóc tốt nên trữ lượng rừng của Hợp tác xã cũng đạt mức cao, trung bình trên 150 tấn/ha. Đặc biệt, khi tham gia vào chứng chỉ FSC, người dân được tiếp cận với sự hỗ trợ kỹ thuật mới nên các thói quen cũ đã thay đổi, năng suất lao động, thu nhập ngày càng cao hơn, cuộc sống người dân ngày càng ổn định”, anh Minh chia sẻ.
Trồng rừng theo chứng chỉ FSC, gỗ của HTX được bán ra nhiều địa phương trong nước và ngoài nước, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 – 20 lao động với thu nhập bình quân 4,5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Trong 5 năm, từ 2018 – 2023, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp như: Công ty Lâm nghiệp Hòa Phát, Chi nhánh Yên Bái. Công ty cổ phần nhựa Châu Âu Yên Bái, Công ty cổ phần Khoáng sản công nghiệp Yên Bái, Công ty đá Cầu vồng, Công ty đá Bình Minh, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vạn Phúc Yên Bái, Công ty cổ phần Filler Masterbacth, Công ty đá trắng Bảo Lai… Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh đã có 20 thành viên, lợi nhuận thu về mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đồng.
Năm 2020, HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh tham gia Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Hội Nông dân Việt Nam. Tham gia chương trình, các thành viên HTX được đào tạo, tập huấn về kiến thức sản xuất kinh doanh, về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong nông nghiệp, được tiếp cận các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, Chương trình FFF hỗ trợ HTX xây dựng mô hình vườn ươm giống keo Úc nhập khẩu đáp ứng nhu cầu, chất lượng cây giống để trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh kiểm tra vườn ươm cây giống keo Úc của HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh
Tham gia dự án, các thành viên của HTX đã nâng cao trình độ sản xuất cây giống; 20 hộ nông dân được cấp chứng nhận tiêu chuẩn, mỗi năm cung ứng trên 2 triệu cây giống cho thị trường.
Ngoài ra, các sản phẩm sản xuất từ Plastic (ống nhựa HDPE) cũng đã mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động của HTX. “Chúng tôi luôn lấy lợi thế về công nghệ làm hàng đầu và xác định liên kết sản xuất cùng có lợi là yếu tố quyết định để HTX phát triển và qua đó có thể giúp đỡ nhiều người nông dân khác nâng cao thu nhập”, anh Minh bày tỏ.
Với những kết quả đạt được, Giám đốc HTX Phùng Bình Minh và HXT Nông lâm nghiệp Bình Minh nhiều năm liền được các cấp khen thưởng. HTX cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Giám đốc Minh bày tỏ: “Mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tư vấn, hỗ trợ để HTX hoạt động ngày càng hiệu quả, phát triển bền vững, diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC ngày được mở rộng, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
“Tôi rất vinh dự và tự hào khi được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023. Đây là động lực để tôi tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa để HTX ngày càng phát triển mạnh mẽ”, anh Minh chia sẻ.
Chị Thoa, anh Minh và trước đó là anh Giàng A Sáu – người dân tộc Mông ở xã An Lương, Văn Chấn hay các anh Ngô Thành Đông, Lê Mai Hiền ở Yên Bình, Văn Yên… những nông dân Yên Bái đã được tôn vinh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Họ chính là những người đã và đang vẽ lên bức tranh về một thế hệ nông dân mới, năng động, dám nghĩ dám làm, làm chủ khoa học công nghệ và sẵn sàng nỗ lực đáp ứng nhu cầu của thị trường. Họ chính là những nhân tố tích cực đưa “tam nông” ở Yên Bái phát triển theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hạnh phúc”.
Mạnh Cường