Chuyển đổi số (CĐS) trong doanh nghiệp được định nghĩa là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trước những lợi ích rõ nét mà CĐS mang lại, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang từng bước ứng dụng CĐS vào các công việc cụ thể, như: Số hóa quy trình quản trị, vận hành doanh nghiệp, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng; ứng dụng thanh toán điện tử; hóa đơn điện tử, chữ ký số; đầu tư máy móc, dây chuyền tự động hóa vào sản xuất…
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, kinh doanh vận tải, sản xuất giấy xuất khẩu và chế biến, gia công giấy vàng mã, thời gian qua, Công ty TNHH sản xuất, thương mại Đạt Phương, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên đã dành nguồn lực nhất định đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, số hóa quy trình hoạt động để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Cao Huy Điều – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại Đạt Phương đánh giá: “Thực hiện CĐS giúp nâng tầm giá trị, giúp hoạt động quản lý, vận hành doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, chi phí vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp CĐS, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Yên Bái đã lựa chọn 4 nội dung để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể là truyền thông, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, tư vấn, hỗ trợ CĐS cho các doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị, hội thảo về CĐS để doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp CĐS; kết nối cung cầu và có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số; hỗ trợ các doanh nghiệp CĐS, trong đó tập trung hỗ trợ mua sắm các nền tảng số phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số, để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các công nghệ mới, chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới…
Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp triển khai ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hoạt động kinh doanh, marketing theo chương trình thí điểm triển khai mô hình “Bình dân học AI” trên địa bàn tỉnh; tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh du lịch ứng dụng một số giải pháp công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tìm kiếm khách hàng mục tiêu, giới thiệu quảng bá về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp…
Điển hình như việc triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc thông minh đối với các sản phẩm nông sản chè Shan tuyết Suối Giàng và bưởi Đại Minh đã cho thấy hiệu quả rõ nét trong việc bảo vệ uy tín, thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm.
Cuối tháng 5/2024, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh phối hợp với doanh nghiệp Viettel Yên Bái, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt (huyện Yên Bình) triển khai thí điểm Chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số giữa doanh nghiệp viễn thông với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Việt Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Việt thông tin: “Là doanh nghiệp lữ hành đứng chân trên địa bàn tỉnh, chúng tôi lựa chọn áp dụng công nghệ với những tính năng hiện đại, vừa quảng bá rộng rãi được thông tin đến du khách vừa tiết kiệm được thời gian vừa tối ưu hóa được hiệu suất làm việc. Đó là lợi thế so sánh, là tiện ích vượt trội, không dễ thực hiện ở môi trường kinh doanh du lịch truyền thống”.
Thời gian qua, việc CĐS trong doanh nghiệp có sự phát triển rõ nét. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, đã có trên 700 doanh nghiệp và trên hơn 1.500 lượt người được tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS.
Đã có 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai ứng dụng các nền tảng, giải pháp CĐS để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng công nghệ hiện đại; triển khai đa dạng hóa hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tỉnh đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tiếp cận ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường, tham gia trải nghiệm các nền tảng số.
Tuy nhiên, thực tế quá trình CĐS cho thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hầu như mới ở giai đoạn đầu của quá trình CĐS. Do đó, việc áp dụng nền tảng, công nghệ tại các doanh nghiệp còn rời rạc do thiếu giải pháp thiết thực; chưa có chiến lược thực hiện CĐS rõ ràng ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp thiếu kinh phí ứng dụng công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng, khó khăn trong thay đổi thói quen kinh doanh, gặp khó trong việc tích hợp các công cụ công nghệ thông tin… dẫn đến việc CĐS trong doanh nghiệp chưa như mong đợi.
Để thúc đẩy CĐS, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cần có sự định hướng, đồng hành của các cơ quan quản lý các cấp, các ngành. Ông Nguyễn Duy Khiêm – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh khẳng định: Đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp CĐS năm 2024, mở 3 lớp tập huấn cho khoảng 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn về nhận thức, kiến thức, kỹ năng CĐS trong doanh nghiệp.
Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyên sâu cho 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhằm hình thành các chủ doanh nghiệp hiểu rõ về CĐS, biết triển khai CĐS hiệu quả cho doanh nghiệp mình và hình thành các nhà lãnh đạo có vai trò dẫn dắt thực hiện CĐS trong doanh nghiệp; triển khai hỗ trợ từ 5-10 doanh nghiệp CĐS để hình thành nên các doanh nghiệp điển hình CĐS theo các lĩnh vực chế biến, du lịch, xây du lịch, thương mại.
Đây sẽ là các mô hình trải nghiệm thực tiễn, giúp các doanh nghiệp khác học hỏi và áp dụng, từ đó, tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Nguồn: https://mic.gov.vn/yen-bai-no-luc-xay-dung-doanh-nghiep-so-197240716104556151.htm