Những năm gần đây, hệ thống y tế tư nhân lớn mạnh với việc đầu tư nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, kỹ thuật chuyên sâu, đã thu hút không nhỏ lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.
Đặc biệt, khi Nhà nước cần thì huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia, như trong đại dịch Covid-19, hệ thống y tế tư nhân ở TP.HCM cùng chung tay với chính quyền thành phố trong việc tiêm vắc xin, chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19. Như vậy có thể khẳng định, hệ thống y tế tư nhân đã có vai trò tích cực trong công cuộc chăm sóc sức khỏe người dân.
Y tế tư nhân đã có kỹ thuật chuyên sâu
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM có 66 bệnh viện tư nhân với hơn 4.684 giường bệnh, chiếm 12% trong tổng số giường bệnh của ngành y tế TP.HCM (38.966 giường). Điều này cho thấy y tế tư nhân đóng góp không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn TP.HCM. Số giường bệnh của hệ thống y tế tư nhân cần tiếp tục tăng, vì ở các nước giàu thì số giường bệnh của y tế tư nhân chiếm đến 40 – 50% trong tổng số.
Theo người đứng đầu ngành y tế TP.HCM, hệ thống y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện công. Nhưng y tế tư nhân còn đầu tư vào những lĩnh vực mang lại nguồn thu nhanh, đó cũng là quy luật. Do vậy, hệ thống y tế tư nhân cần có hướng, có cơ chế khuyến khích phát triển chuyên sâu và đáp ứng được mô hình bệnh tật ở địa phương, nhu cầu mà hệ thống y tế công lập đang thiếu. Bởi để phát triển y tế chuyên sâu, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của hệ thống y tế công lập mà rất cần sự tham gia của hệ thống y tế tư nhân, do nguồn lực, ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp sự phát triển kỹ thuật chuyên sâu.
Theo Nghị quyết 20 (ngày 25.10.2017) của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới
“Cách đây 5 – 10 năm, khi các bệnh viện tư nhân có bệnh nhân bệnh nặng thì hay chuyển về bệnh viện công. Còn bây giờ bệnh viện tư đã điều trị được những ca bệnh nặng, phức tạp như tim mạch, thần kinh, đột quỵ, sản, sơ sinh… Y tế tư nhân đã có những thiết bị, công nghệ còn hiện đại hơn cả y tế công. Điều này cũng giúp hạn chế được tình trạng bệnh nhân đi tìm nơi khác chữa trị, đặc biệt là ra nước ngoài. Đó là dấu hiệu tốt”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.
Ngoài việc lập các bệnh viện, hệ thống y tế tư nhân cần tham gia vào các loại hình khác để chăm sóc sức khỏe người dân, như phối hợp hợp tác công – tư để lập trung tâm tầm soát công nghệ cao. Sắp tới là mở các trung tâm dưỡng lão, đầu tư vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (ngoài bảo hiểm nhà nước), tham gia vào du lịch y tế…
Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, TP.HCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN. TP.HCM chăm lo, đầu tư cho hệ thống y tế của mình và kêu gọi các bệnh viện, trường đại học có uy tín trên thế giới đặt cơ sở tại thành phố với con người và công nghệ cụ thể. Thông qua đó, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các bệnh viện với nhau.
“TP.HCM mong mỏi có một mô hình đối tác công – tư với quy mô lớn. Trong đó, có thể ngành y tế thành phố phối hợp với cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư kêu gọi đầu tư mô hình trung tâm tầm soát bằng công nghệ cao. Theo đó, TP.HCM cung cấp đất (địa điểm) và kêu gọi tư nhân đầu tư thiết bị công nghệ cao”, người đứng đầu ngành y tế TP.HCM chia sẻ thêm.
Tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển
Chia sẻ với PV Thanh Niên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hiện cả nước có 336 bệnh viện tư nhân. Bên cạnh việc hỗ trợ bệnh viện công giảm tải, hệ thống y tế tư nhân đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản của người dân hiện nay, đặc biệt nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao và toàn diện.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, việc đầu tư thành lập các cơ sở y tế tư nhân có chất lượng cao là cần thiết và đúng định hướng của Chính phủ và Bộ Y tế để phục vụ hiệu quả nhu cầu người dân trong khám chữa bệnh. Y tế tư nhân nâng dần quy mô, nỗ lực đầu tư; nâng cao năng lực chuyên môn cũng như tăng cường đầu tư, hiện đại hóa nhằm thu hút bệnh nhân nước ngoài, kiều bào Việt Nam. Điều này cũng góp phần từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu hút du lịch – sức khỏe – y tế – nghỉ dưỡng trong những năm tới, đóng góp ngoại tệ cho ngân sách quốc gia, và hơn hết là truyền động lực để nâng cấp hệ thống bệnh viện của cả nước.
“Bộ Y tế luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư thành lập các cơ sở y tế tư nhân ở Việt Nam trên tinh thần bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh đúng pháp luật Việt Nam. Bộ Y tế luôn hỗ trợ, hướng dẫn trong quá trình nghiên cứu đầu tư và trong quá trình hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê nói.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, Bộ Y tế còn khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài tích cực hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng trong khám chữa bệnh đối với các cơ sở y tế của Việt Nam… Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các cơ sở y tế tư nhân cũng cần nghiên cứu, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, luật khám chữa bệnh và các quy định có liên quan.
“Bộ Y tế đánh giá cao các cơ sở y tế ngoài công lập đã đóng góp tích cực nhân lực, vật lực, trí lực đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong những tháng ngày cùng cả nước gồng mình chống dịch”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.
Chính sách không phân biệt công – tư
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, Nghị quyết 20 ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nêu rõ: “Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nghị quyết 20 cũng chỉ ra cần phải “phát triển đồng bộ, tạo môi trường bình đẳng cả về hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám chữa bệnh công và tư; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác công – tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công – tư trong cung cấp dịch vụ y tế”.
Nghị quyết 20 khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở y tế (kể cả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu), tập trung vào cung cấp dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu. Các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì lợi nhuận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.
“Bộ Y tế không phân biệt người hành nghề làm việc tại cơ sở công lập hay ngoài công lập khi có cùng tôn chỉ mục đích phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Pháp luật Việt Nam luôn công bằng giữa công – tư; khen thưởng, động viên, khuyến khích, bảo vệ khi hoạt động đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định công – tư bình đẳng”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê nói.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, theo luật Khám bệnh, chữa bệnh (số 15/2023/QH15), nhiều nội dung mới của luật thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, hoàn thiện hành lang pháp lý để tháo gỡ các vấn đề lớn của ngành y tế hiện nay với những quy định đầy đủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển. Hiện nay Bộ Y tế đang dự thảo nghị định hướng dẫn luật này và sẽ sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành với nhiều thuận lợi được mở ra cho người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh.
ĐỊNH HƯỚNG CHUẨN MỰC
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Liên Chi hội y tế tư nhân TP.HCM, cho rằng y tế công lập được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, quản trị, con người… để đáp ứng được mệnh giá bảo hiểm y tế thấp, nên bệnh nhân có cơ hội đi khám chữa bệnh ở các bệnh viện công. Bên cạnh đó, bệnh viện công lập được tự chủ (hoặc một phần tự chủ) đã biến bệnh viện công một phần nào đó hoạt động theo cơ chế tư. Y tế công cũng được hỗ trợ về mặt chính sách, hành chính… tạo tâm lý mạnh với đội ngũ y bác sĩ và sức mạnh này là vô hình.
Do đó, khó khăn của y tế tư nhân là bị cạnh tranh rất lớn trong thị trường bệnh nhân bảo hiểm y tế, vì doanh thu chủ yếu ở nhiều bệnh viện vẫn là từ bảo hiểm y tế. Để cạnh tranh với bệnh viện công, bệnh viện tư nhân phải cạnh tranh về giá viện phí (hạ chi phí) thì mới có bệnh nhân, có doanh thu và phải tăng cường quản lý chi tiêu; cùng với đó là tăng chất lượng chuyên môn và dịch vụ.
Nói về phát triển chuyên sâu của y tế tư nhân, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, để đầu tư kỹ thuật cao thì đó là dịch vụ chiến lược chứ không phải là dịch vụ kinh tế. Tức phải có nguồn lực và quan trọng hơn là nguồn lực con người phải được đào tạo về lâu dài, bài bản. “Nếu phát triển một kỹ thuật mà thiếu một vài vị trí, lúc này y tế tư sẽ quay trở lại nhờ y tế công, thì đó chỉ là phát triển tạm thời”, bác sĩ Tùng nói.
Mặt khác, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng cũng cho rằng, kỹ thuật chuyên sâu được nhà nước đầu tư cho y tế công. Vậy khi y tế tư nhân phát triển kỹ thuật chuyên sâu thì phải xác định là phục vụ cho ai, cạnh tranh với ai, người đâu để làm và làm như thế nào; vì chắc chắn chi phí sẽ cao hơn y tế công để thu hồi vốn. Bởi lẽ y tế kỹ thuật cao không phải là lợi thế của y tế tư nhân (giá cao – PV), vì vậy bệnh nhân “ráng” nằm ở y tế công.
“Hiện nhà nước đã có những chính sách cho y tế cả công và tư phát triển mạnh mẽ. Cạnh tranh công – tư là tốt và bệnh nhân sẽ được hưởng lợi. Các hiệp hội và nhà nước cần định hướng, giúp tư nhân đi hướng nào. Thực tế hiện nay có nhiều bệnh viện tư rao bán. Bên cạnh đó, hướng tới y tế tư nhân phải có những chuẩn mực để giảm rủi ro cho bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng phân tích thêm.
CẦN ĐẶC BIỆT PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, hệ thống y tế tư nhân khi mở một cơ sở mới thì thường nhận nhân lực có kinh nghiệm từ bệnh viện công. Điều này khiến bệnh viện công ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhưng bên cạnh việc các bệnh viện công cần quen với chuyện này (phải đào tạo nhân lực chuyên khoa lớn hơn 1), thì hệ thống y tế tư nhân cũng cần có chính sách về đào tạo nhân lực.
“Y tế tư nhân cần phát triển theo chiều sâu, đó là phát triển nguồn nhân lực bằng cách tuyển dụng bác sĩ mới ra trường, đào tạo và tạo điều kiện để họ gắn bó với bệnh viện tư. Điều này ngành y tế TP.HCM rất ủng hộ. Muốn vậy, y tế tư nhân cần quan tâm đầu tư đào tạo tại bệnh viện hoặc gửi đi đào tạo; xa hơn nữa là mở đại học sức khỏe”, PGS-TS Tăng Chí Thượng chia sẻ và cho rằng, các bệnh viện cần lập trung tâm nghiên cứu để phát triển và mời chuyên gia có uy tín trên thế giới tham gia, việc này cũng đã có đơn vị làm được. TP.HCM rất khuyến khích đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là y tế.