Hà NộiTheo nhiều thành viên Mặt trận, quy định thuê nhà từ 15 m2 mới được đăng ký thường trú từng được thực hiện song không giúp hạn chế tăng dân số.
Ngày 14/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú.
Theo dự thảo, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2/người; khu vực ngoại thành 8 m2/người (17 huyện và thị xã Sơn Tây). UBND thành phố Hà Nội cho biết điều này nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cư trú năm 2020, tạo cơ sở pháp lý để thành phố quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết rất bất ngờ khi công an thành phố báo cáo chỉ có hai trong số 5 sở được lấy ý kiến có văn bản thống nhất với dự thảo. Ba sở không không có văn bản tham gia ý kiến gồm Tư Pháp, Xây dựng và Quy hoạch Kiến trúc.
Tương tự, chỉ có 4 trong 30 quận, huyện, thị xã có văn bản góp ý. Sở Thông tin Truyền thông đăng tải dự thảo trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố trong một tháng (từ 15/3 đến 15/4) nhưng cũng “không nhận được ý kiến đóng góp nào”.
Theo ông Dĩnh, Hà Nội từng ban hành Nghị quyết 11 quy định diện tích nhà ở tối thiểu 15 m2/người để đăng ký thường trú với trường hợp nhà thuê từ năm 2013. Ba năm sau, HĐND thành phố ban hành văn bản kéo dài thời gian áp dụng nghị quyết đến hết 2020, đến nay đã quá hạn hơn 2 năm. Do đó, ông đề nghị ban soạn thảo làm rõ “vì sao quy định này trước đây được đánh giá không phát huy hiệu quả”.
Nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội Bạch Thành Định cũng cho rằng không nên kỳ vọng nghị quyết có thể hạn chế tăng dân số ở Hà Nội vì thực tế số người nằm ngoài đăng ký thường trú và tạm trú rất lớn. “Điều đó cho thấy quy định diện tích tối thiểu ít hiệu quả. Hơn nữa, ở các nước phát triển không ai dùng biện pháp này hạn chế quyền cư trú của công dân”, ông Định nói.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, cho hay vấn đề nan giải nhất của thành phố hiện nay là giảm dân số khu phố cổ. Từ 1995, Hà Nội đã đặt vấn đề giảm dân số ở khu vực này, sau đó đưa ra lộ trình và mục tiêu giãn dân nhưng “thất bại hoàn toàn”.
“Để tránh lặp lại bài học này, cần đưa thêm quy định diện tích tối thiểu ở một số khu vực đặc thù như phố cổ hay các huyện được quy hoạch làm thành phố trực thuộc Thủ đô”, ông Nghiêm đề xuất.
Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đề nghị ban soạn thảo báo cáo đánh giá tác động khi nghị quyết có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu người dân, ảnh hưởng thế nào đối với các huyện sắp lên quận. Nghị quyết cũng cần quy định rõ quyền lợi của người thường trú và tạm trú để tránh trường hợp liên tục tạm trú.
Dự thảo Nghị quyết dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp HĐND thành phố đầu tháng 7.
Đến năm 2022, Hà Nội có diện tích tự nhiên 334.470 ha, dân số 8,6 triệu, gồm 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã, 577 xã, phường, thị trấn. Dân cư chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, đặc biệt là quận mới như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, gây áp lực cho chính quyền trong việc đảm bảo trật tự an toàn, an sinh xã hội.
Sĩ số lớp học bậc tiểu học ở nhiều quận thường xuyên trên 50 em mỗi lớp (quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 35 em/lớp); nhiều tuyến đường ùn tắc vào giờ cao điểm, ngập lụt khi mưa lớn.
Võ Hải