Chính phủ đề xuất khu vực bảo vệ I của di tích được triển khai dự án đầu tư, xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội không đồng tình.
Đề xuất của Chính phủ nêu trong dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 17/4. Khu vực bảo vệ I là vùng có yếu tố gốc cấu thành di tích, gồm công trình, địa điểm tiêu biểu của sự kiện lịch sử, văn hóa hoặc gắn với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói dự thảo quy định khu vực bảo vệ I được giữ nguyên trạng về mặt bằng và không gian của di tích. Vì vậy, để bảo đảm nguyên tắc này, Ủy ban không đồng tình đề xuất cho phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I.
“Chỉ nên cho phép xây dựng, cải tạo nhà ở với trường hợp di sản đã có cư dân sinh sống như làng cổ Đường Lâm, đô thị cổ Hội An, Quần thể di tích Cố đô Huế. Việc xây dựng phải bảo đảm nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, yếu tố gốc cấu thành di tích”, ông Vinh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng không đồng tình xây nhà ở riêng lẻ tại vùng lõi của di tích. “Trước đây, tôi còn công tác ở Quảng Ninh, tỉnh phải bỏ ra mấy trăm tỷ đồng để di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long ra khỏi vùng lõi. Giờ luật lại cho xây dựng nhà ở riêng lẻ trong vùng lõi thì không ổn”, ông Thanh cho hay.
Ông đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ nên quy định xây dựng nhà ở vùng II (vùng đệm) để không cản trở phát triển kinh tế xã hội của các địa phương có vùng bảo vệ di sản rộng như TP Hạ Long, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình.
Cần chính sách đặc thù bảo tồn di sản
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng di sản văn hóa phải được coi là một nguồn lực để phát triển. Hiện nay, di sản ở một số địa phương chưa khai thác hết trong khi nguồn lực Nhà nước chỉ đáp ứng được một phần. Nếu có thành phần khác tham gia đầu tư vào theo định hướng của nhà nước sẽ phát huy, bảo tồn được di tích.
Theo ông, trong chủ trương và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường, chuyển đổi số về văn hóa và số hóa di sản phải được chú trọng. Cơ quan soạn thảo cần thiết kế thêm chủ trương đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát triển; thiết kế thành chính sách việc hợp tác công tư trong phát triển văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu một số chính sách đặc thù đối với bảo tồn, phát huy các di sản, giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc ở miền núi, hải đảo, các di sản văn hóa quý hiếm và có nguy cơ thất truyền. “Dự thảo đã đề cập đến tiếng nói, chữ viết nhưng còn một số di sản cần phải có chính sách đặc thù, nhất là với đồng bào các dân tộc miền núi, hải đảo, dân tộc rất ít người”, ông Huệ nói.
Giải trình, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ rất muốn thu hút thêm các nguồn lực, nhưng lĩnh vực di sản văn hóa rất đặc thù, hợp tác công tư PPP không đủ điều kiện trong nhiều trường hợp. Ví dụ như dự án từ 100 tỷ đồng mới thực hiện theo hình thức PPP, song dự án về văn hóa 100 tỷ “phê duyệt rất khó”. Ông đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm tạo thêm cơ chế, nguồn lực như Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
Ông Hùng lý giải đề xuất bổ sung quy định xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ I nhằm “phát huy giá trị của di sản”. Muốn xây dựng nhà ở riêng lẻ, chủ đầu tư phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và đảm bảo đồng bộ về độ cao, số tầng, kiến trúc và phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn. Nội dung này sẽ phân cấp triệt để cho địa phương, Sở Văn hóa tham mưu UBND tỉnh cấp phép, không phải xin ý kiến Bộ.
Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5. Dự thảo bổ sung quy định mới về chuyển nhượng di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; bổ sung điều kiện để thành lập bảo tàng công lập và cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập.