(Dân trí) – 70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm lớn về khoa học và đổi mới sáng tạo của cả nước.
Hạ tầng giao thông, trong đó đường sắt đô thị và những cây cầu bắc qua các con sông được đánh giá là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Thủ đô cũng như việc ngày một nâng cao chất lượng đời sống của người dân Hà Nội.
Năm 2010, anh Nguyễn Tuấn Vũ (sinh viên Trường Đại học Giao thông) cùng nhiều bạn bè háo hức khoe với gia đình ở quê về tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) thí điểm số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội vừa khởi công. Thời điểm này tàu điện trên cao với những cô cậu sinh viên như anh Vũ là khái niệm lạ, họ chưa hình dung viễn cảnh đi tàu trên cao thế nào.
Năm 2014 anh Vũ ra trường, dự án này vẫn “dậm chân tại chỗ”, chưa hẹn ngày về. Và phải đến đầu tháng 8 vừa qua, khi anh Vũ ra trường đi làm được 10 năm, dự án này mới bắt đầu đi vào hoạt động đoạn trên cao.
Háo hức như hồi năm 2010, ngày 8/8, anh Vũ cùng nhiều bạn bè rủ nhau xếp hàng từ sớm chờ lấy vé trải nghiệm chuyến tàu đường sắt Nhổn – ga Hà Nội.
Theo anh Vũ, gần 15 năm chờ đợi chuyến tàu này, nhiều lúc anh nghĩ rằng dự án này sẽ còn kéo dài, chậm tiến độ và sẽ tiếp tục chưa hẹn ngày về đích, nhưng sự thật là tàu đã chạy.
“Tôi và những người trẻ từ các tỉnh ra Hà Nội học tập rồi làm việc tại đây, chứng kiến diện mạo Thủ đô ngày càng thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, tôi băn khoăn rằng tại sao những dự án ĐSĐT ở Hà Nội đã được quy hoạch, được bàn nhiều nhưng đều chậm tiến độ hoặc đang nằm trên giấy”, anh Vũ nói.
Nhớ lại những ngày đầu được điều động về đơn vị, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội cho biết, năm 2017 khi tiếp nhận dự án cùng ê kíp lãnh đạo mới của Ban, đoạn trên cao vẫn vướng mắc giải phóng mặt bằng tại các ga S4, S5, S7; nhà thầu ngừng thi công, khu vực depot chưa hoàn thành xây dựng cơ bản, hệ thống đường ray chưa đấu nối, các đoàn tàu còn chưa chốt được thiết kế.
Theo ông Sơn, trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc “thay máu” đội ngũ nhân sự của Ban là quyết sách đúng đắn và quan trọng nhất của Hà Nội.
Từ năm 2017, với quyết tâm cao độ, từng vấn đề khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết, dự án dần dần thành hình để đến ngày 8/8 đã chính thức đưa vào vận hành đoạn trên cao từ ga S1 đến ga S8; dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2027.
TP Hà Nội đã công nhận công trình đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy thuộc dự án xây dựng tuyến ĐSĐT thí điểm đoạn Nhổn – ga Hà Nội là công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Bộ Chính trị đã yêu cầu TP Hà Nội phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành 14 tuyến ĐSĐT.
Với các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, hệ thống ĐSĐT được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông.
“Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống ĐSĐT sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, giảm ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông”, ông Thanh nói.
Về kế hoạch đầu tư, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội cho biết, thành phố sẽ phát triển hệ thống ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý.
“Phấn đấu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2023 của TP Hà Nội đạt 50%-55%; sau năm 2035 đạt 65%-70%”, ông Thường cho biết.
Theo ông Thường, UBND TP Hà Nội đã đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” đầu tư ĐSĐT. Theo đó, phân kỳ 2024-2030 đặt mục tiêu hoàn thành thi công 96,8km (gồm các tuyến số 2, số 3, số 5); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301km đường sắt đô thị. Sơ bộ nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 14,602 tỷ USD.
Trong phân kỳ 2031-2035, hoàn thành đầu tư xây dựng 301km; sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỷ USD. Đến sau năm 2030, ĐSĐT đảm nhận 35%-40% lượng hành khách công cộng. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỷ USD.
Ở phân kỳ 2036-2045, mục tiêu là hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7km ĐSĐT đối với các đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD.
Để phát triển ĐSĐT tại Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung, ông Nguyễn Bá Sơn cho rằng đầu tiên cần phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương, ưu tiên tập trung nguồn lực chính sách, nhân sự, kinh tế…
Tiếp đó, cần tạo ra các cơ chế chính sách đơn giản hơn, thông thoáng hơn cho các dự án, giảm bớt thời gian, thủ tục phải trình, phê duyệt mới có thể rút ngắn tiến độ.
Đúng dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10 năm trước, người dân các xã Đông Hội, Xuân Canh, Mai Lâm (huyện Đông Anh) háo hức từng ngày chờ ngày khánh thành cầu Đông Trù nối đôi bờ sông Đuống.
Cầu Đông Trù rộng 55m với 8 làn xe nối quận Long Biên và huyện Đông Anh, đây là cây cầu được cho là rộng nhất cả nước thời điểm đó.
“Trước đây, chỉ có cầu Đuống bắc qua sông Đuống, giao thông đi lại khó khăn, người dân phải đi đò qua sông không chỉ tốn tiền mà còn nguy cơ mất an toàn. Khi cầu Đông Trù đưa vào sử dụng, việc đi lại học hành, làm việc, buôn bán thuận hơn rất nhiều và bộ mặt nông thôn khu vực lân cận thay đổi hoàn toàn”, ông Nguyễn Đình Anh (xã Xuân Canh, Đông Anh) nhớ lại.
Ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, cầu Đông Trù đã nối các vùng, trở thành trục giao thông chính phục vụ cho các khu công nghiệp, khu đô thị phía bắc sông Hồng; đất đai quanh khu vực này tăng cao, từ đó đời sống người dân cũng được nâng lên.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt, TP Hà Nội sẽ được xây dựng thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng.
Đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 18 cây cầu đáp ứng nhu cầu giao thông của Thủ đô cũng như kết nối giao thông liên vùng; tạo điều kiện thuận lợi kết nối liền mạch giữa các trung tâm kinh tế – chính trị; giữa các vùng địa phương và đô thị vệ tinh.
Hà Nội đang có 9 cầu qua sông Hồng gồm Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1, 2), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Văn Lang, Trung Hà. Trong số này có 6 cây cầu ở các quận nội thành Hà Nội.
Thành phố dự kiến sớm khởi công 4 cây cầu vượt sông Hồng gồm Thượng Cát, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở. Ngoài ra, sẽ có thêm các cây cầu bắc qua sông Hồng như Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi và Phú Xuyên.
Khi hoàn thiện, các cây cầu này được kỳ vọng sẽ góp phần kết nối trung tâm thành phố với các địa phương lân cận, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Đây đều là những mạch giao thông quan trọng góp phần phát triển đồng bộ hạ tầng, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, với thành phố phía Bắc Thủ đô trong tương lai và vùng phụ cận.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội đánh giá, ngoài việc liên kết các huyết mạch giao thông quan trọng thì những cây cầu vượt sông còn có ý nghĩa rất lớn đối với quy hoạch đô thị, tổ chức xã hội của đô thị Hà Nội. Có hệ thống cầu thông thương tốt, phục vụ người dân đi lại thuận tiện mới có thể tái cấu trúc đô thị, phân bố hợp lý mật độ dân cư, từ đó phát triển đồng đều kinh tế – xã hội.
Qua thực tiễn và kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, ông Tân cho rằng mỗi thành phố chỉ có thể phát triển được khi những bờ sông được gắn kết và phát triển hài hòa qua những cây cầu. Kế thừa và phát huy những bài học đó, Chính phủ và Hà Nội đang nỗ lực vẽ nên một Thủ đô phồn thịnh, hùng cường qua những cây cầu đã và đang được hoạch định.
Nhìn nhận việc Hà Nội trước đây chủ yếu phát triển ở phía Nam sông Hồng dẫn đến sự chênh lệch giữa các vùng rất lớn, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc xây dựng thêm những cây cầu không chỉ giúp giảm áp lực giao thông, giảm dân số trong nội đô mà còn góp phần sử dụng hiệu quả nguồn đất đai phong phú để tái cơ cấu kinh tế, hình thành và phát triển các khu dân cư mới.
Theo ông Nghiêm, việc này làm thay đổi về giá trị về mặt đất đai, tiêu biểu như cầu Nhật Tân khi đi vào sử dụng, giá đất khu vực Đông Anh tăng lên, hay khi làm cầu Thanh Trì giá đất ở khu vực Thanh Trì và Gia Lâm cũng tăng lên cao.
Từ đó có thể thấy những cây cầu sẽ làm phát huy giá trị của đất đai, tuy nhiên ông cho rằng cũng phải căn cứ vào quy hoạch, đặt ra vấn đề quanh khu vực cầu sẽ làm gì, sẽ có khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, du lịch… mới tác động mạnh đến giá đất.
Nêu thực tế trước đây việc xây dựng các cây cầu chỉ nhằm mục đích đi lại, giao thương giữa hai bên bờ sông, ông Nghiêm nhận định những cây cầu còn mang trong mình trọng trách giúp cân bằng cho sự phát triển, giống như cán cân điều tiết, hài hòa giữa đôi bên.
Khẳng định ý nghĩa các cây cầu nói trên đều có tính chất rất quan trọng, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) nhấn mạnh các cây cầu kết nối đôi bờ sông Hồng là cơ sở cho Thủ đô phát triển, góp phần giảm tải áp lực giao thông, tăng kết nối khu trung tâm Hà Nội với các vùng phụ cận.
Theo ông Thành, việc thiếu các cầu lớn qua sông dẫn đến sự mất cân đối trong phát triển đô thị. Bên bờ Nam phát triển rất nhanh, mật độ dân cư đông, trong khi bờ Bắc dù có nhiều tiềm năng lại chưa đạt được như kỳ vọng do thiếu sự kết nối với khu vực đô thị trung tâm.
Từ thực tế, ông Thành cho rằng Hà Nội phải đẩy nhanh tiến độ xây cầu để kết nối và tạo điều kiện cho bờ Nam hỗ trợ bờ Bắc sông Hồng, hướng tới sự phát triển toàn diện, đồng đều của Thủ đô.
Nội dung: Bạch Huy Thanh
Ảnh: Bạch Huy Thanh, Nguyễn Hải
Thiết kế: Patrick Nguyễn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/xuong-song-ket-noi-vung-thu-do-20241008000748921.htm