Các đặc điểm kỹ thuật và khả năng chiến đấu của Hệ thống phòng không tên lửa Patriot trên chiến trường Ukraine.
Sau một thời gian dài thảo luận, tháng 4/2023, Hoa Kỳ và các nước NATO đã bàn giao cho Kiev hai hệ thống phòng không tên lửa Patriot (surface-to-air missile system – SAM). Ngoài ra, Lầu Năm Góc đã nhiều lần bổ sung tên lửa cho Patriot trong các gói viện trợ quân sự gần đây.
Bệ phóng Patriot ở Ukraine. (Nguồn: Thedrive.com) |
Ban đầu, chi tiết về số lượng và chủng loại hàng giao không được tiết lộ bởi lo ngại đối phương có thể sử dụng thông tin như vậy để chống lại hiệu quả. Tuy nhiên, thông tin về thành phần của gói cung cấp đã không thể bí mật.
Từ ngày 8-10 tháng 8/2023, tại Hội nghị chuyên đề về vũ trụ và phòng chống tên lửa hàng năm được tổ chức tại Huntsville, Mỹ, Văn phòng Điều hành Chương trình Tên lửa và vũ trụ của Lầu Năm Góc đã đề cập đến chủ đề cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine.
Văn phòng đã liệt kê các sản phẩm được cung cấp cho Kiev kể từ năm 2022, trong đó có hai đại đội Patriot. Mỗi đại đội bao gồm đài điều khiển AN/MSQ-104 Engagement Control Station (ECS), trạm radar AN/MPQ-65, bệ phóng M902/903 và trạm phát điện diesel EPP-III (EPP). Các tên lửa biến thể PAC-2 với các biến thể GEM, GEM-C và GEM-T, cũng như các thế hệ PAC-3 mới hơn, đã được chuyển giao với số lượng vào khoảng ba con số. Mỗi tên lửa có trị giá 3 triệu USD. Quân số một đại đội Patriot từ 70-90 người, đơn giá một đại đội Patriot vào khoảng 1,1 tỷ USD. Hiện Hoa Kỳ có tổng cộng 15 tiểu đoàn Patriot (một tiểu đoàn gồm 4 đại đội).
Đặc điểm kỹ thuật
Đài điều khiển AN/MSQ-104 ECS Patriot điều khiển tổ hợp và thực hiện một số nhiệm vụ chính. Nó nhận dữ liệu về tình hình trên không và các mục tiêu từ tổ hợp radar hoặc từ các nguồn khác. ECS xử lý thông tin nhận được, mục đích của đối phương, nhận dạng chúng theo mức độ nguy hiểm. Đài điều khiển cũng phân định các mục tiêu trên không giữa các bệ phóng và tên lửa, điều khiển việc phóng tên lửa, v.v.
Một trong những tên lửa MIM-104 rơi xuống Kiev. (Nguồn: Telegram / BMPD) |
Liên quan đến trạm radar, Ukraine nhận được loại AN/MPQ-65. Đây là trạm radar được thiết kế hoạt động lâu dài ở một vị trí. Trạm có tính năng quét điện tử theo dõi tình hình trong một khu vực rộng 90° theo phương vị và từ +1° đến +83° theo góc quay. Để có thể quan sát toàn bộ địa hình, cần có bốn radar như vậy. AN/MPQ-65 có khả năng phát hiện các mục tiêu bay cỡ lớn ở cự ly lên tới 180-200 km, máy bay chiến thuật lên tới 130-150 km. Các mục tiêu đạn đạo, chẳng hạn như đầu đạn của tên lửa chiến dịch-chiến thuật, được theo dõi từ một cự ly xấp xỉ 70 km. Tốc độ mục tiêu tối đa là hơn 2 km/s, số mục tiêu được theo dõi cùng một lúc có thể lên đến 125.
Tên lửa của Patriot là loại MIM-104 PAC-2 trong các biến thể GEM (Guidance Enhanced Missile – Tên lửa với khả năng dẫn đường tăng cường) đã được chuyển đến Ukraine. Loại này được phát triển vào những năm 1990 và 2000 có tích hợp các công nghệ hiện đại vào thời điểm đó và kinh nghiệm chiến trường.
Hệ thống phòng không Patriot PAC-2 trong quá trình triển khai. |
Loại MIM-104D GEM dài xấp xỉ 5,3 m và đường kính 410 mm; trọng lượng xấp xỉ 910kg. Đầu đạn nổ phân mảnh nặng 91 kg được sử dụng. Dòng GEM khác với các tên lửa trước đây ở đầu dẫn bán chủ động được cải tiến và tối ưu hóa để tấn công các mục tiêu đạn đạo. Đầu nổ không tiếp xúc cũng được cập nhật. Tầm bắn các mục tiêu khí động học vẫn ở mức 105 km, còn các mục tiêu đạn đạo 20 km.
Ukraine cũng nhận được loại MIM-104E GEM và các loại tên lửa GEM-C và GEM-T, loại cải tiến của MIM-104D. Tên lửa với chữ “C” có đầu tự dẫn radar bán chủ động với độ nhạy và khả năng chống nhiễu tăng hơn, có khả năng phát hiện và theo dõi tên lửa hành trình và các mục tiêu phức tạp khác hiệu quả hơn. Đổi lại, tên lửa GEM-T được thiết kế để tấn công các mục tiêu đạn đạo.
Có thông tin, việc chuyển giao tên lửa MIM-104F PAC-3, được thiết kế chỉ để đánh chặn các mục tiêu đạn đạo. Loại PAC-3 nhỏ hơn, xấp xỉ 5 m và đường kính 254 mm, nhờ đó ống phóng có kích thước tiêu chuẩn có thể chứa bốn tên lửa cùng một lúc. Trọng lượng – 316 kg. Để cải thiện khả năng cơ động, một khối động cơ cỡ nhỏ được đặt ở phần đầu thân tên lửa. Tên lửa có đầu dò radar chủ động và được thiết kế để tấn công trực tiếp mục tiêu. Việc phá hủy được thực hiện bởi đầu đạn tạo mảnh nặng 24 kg với các loại đạn con được chế tạo sẵn. Cự ly đánh chặn là 20 km, độ cao đánh chặn tới 20 km.
Đại đội Patriot bao gồm 8 bệ phóng loại M901/902/903 đặt trên xe bán moóc. Việc phóng tên lửa được thực hiện từ vị trí nghiêng với hướng quay về phía mục tiêu.
Trạm Radar AN/MPQ-65. (Nguồn: Wikimedia Commons) |
Tên lửa nâng cấp PAC-3 MSE (Missile Segment Enhancement) được phát triển vào những năm 2000. Nó dài hơn một chút so với MIM-104F cơ sở, đường kính thân tên lửa tăng lên 290 mm, cho phép tấn công các mục tiêu khí động học ở cự ly 100 km hoặc mục tiêu đạn đạo từ 30 km. Độ cao đánh chặn tối đa là 36 km. Các nguyên tắc ngắm và đánh chặn mục tiêu không thay đổi.
Kết quả trên chiến trường Ukraine
Theo tuyên bố của các nhà phát triển và nhà sản xuất, hệ thống phòng không Patriot với nhiều biến thể khác nhau có khả năng phát hiện và tấn công các mục tiêu khí động học và đạn đạo ở nhiều phạm vi và độ cao khác nhau. Hệ thống đã được nâng cấp nhiều lần, do đó các đặc tính chiến đấu và kỹ thuật của nó tăng lên, cũng như các chế độ và khả năng mới xuất hiện.
Trong quá trình chiến sự hiện nay ở Ukraine, tổ hợp Patriot của Mỹ đã có cơ hội thể hiện khả năng của mình trong việc chống lại các lực lượng hàng không vũ trụ tiên tiến của Nga. Ukraine và các đối tác nước ngoài kỳ vọng rằng hai đại đội của các tổ hợp như vậy sẽ có thể bảo vệ các công trình quan trọng tại Kiev, chống lại máy bay, tên lửa và UAV của Nga.
Trạm phát điện diesel cơ động EPP. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ) |
Trên thực tế, các hệ thống phòng không Patriot bảo vệ Kiev đã không thể ngăn chặn hoàn toàn các cuộc tấn công thông thường bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như máy bay không người lái, chứ chưa nói đến tên lửa siêu vượt âm. Theo cổng thông tin Military Watch Magazine, 32 tên lửa thuộc hệ thống Patriot (trị giá 96 triệu USD) đã được phóng đi nhằm tiêu diệt tên lửa siêu vượt âm Kinzhal (Dao găm) của Nga ngày 19/5/2023, nhưng đã thất bại.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tốc độ của Kinzhal vượt quá giới hạn phương thức tác chiến của các hệ thống phòng không phương Tây, trong đó có Patriot. Ngoài ra, cách thức chống tên lửa do Kinzhal thực hiện ở giai đoạn bay cuối và bổ nhào lao gần như thẳng đứng mục tiêu đã loại trừ khả năng đánh chặn của các hệ thống tên lửa phòng không.
Phía Nga cũng đã bác bỏ thông tin của báo chí Mỹ và Ukraine đưa ra trước đó vài ngày rằng Patriot đã hạ được 5 tên lửa Kinzhal, và coi thông tin đó như “ước mơ hơn là thực tế”. Hơn thế nữa, trước đó 3 ngày, một trong những tên lửa siêu vượt âm Kinzhal (Dao găm) của Nga đã phá hủy năm bệ phóng của một tổ hợp Patriot hồi tháng 5/2023. Thông tin này được cả hai bên xác nhận, tuy nhiên Mỹ cho rằng việc hư hại không lớn và có thể khôi phục ngay tại Ukraine.
Kết quả không đáp ứng kỳ vọng của Patriot ở Ukraine có thể được giải thích bởi một số nguyên nhân sau. Có thể mức độ tính toán cho công tác chuẩn bị chưa đầy đủ và vị trí triển khai không phù hợp đã ngăn cản trở việc sử dụng Patriot như lý thuyết, cho dù những tổ hợp mới nhất đã được chuyển giao.
Tuy nhiên, yếu tố quyết định nằm ở khả năng tấn công của quân đội Nga. Hệ thống phòng không Patriot là mô hình cơ bản của loại này trong Quân đội Hoa Kỳ, vì vậy Nga luôn coi đây là mối đe dọa và mục tiêu điển hình cho các cuộc không kích. Một loạt các vũ khí tấn công đã được phát triển có tính đến các hệ thống như vậy của một đối thủ tiềm năng, kể cả những thay đổi và cải tiến của Patriot. Kết quả là các lực lượng vũ trang Nga có nhiều loại khí tài và hệ thống tấn công có khả năng vượt qua hệ thống phòng không của Mỹ và tấn công các mục tiêu được chỉ định. Giờ đây Hoa Kỳ cũng như các đồng minh NATO sẽ phải hoàn thiện hệ thống Patriot của họ một lần nữa dựa trên kinh nghiệm tác chiến thực tế ở Ukraine.