(Tổ Quốc) – Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là một trong 5 tập thể được Bộ VHTTDL vinh danh tại Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được thành lập từ năm 1971, với vai trò là một đơn vị nghiên cứu chiến lược và tư vấn chính sách hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch.
Trong thời gian qua, Viện đã chủ động, tích cực thực hiện có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, đào tạo sau đại học cũng như nhiều kế hoạch công tác khác một cách đồng bộ, toàn diện nhằm bảo đảm chất lượng, phục vụ yêu cầu chung của toàn ngành cũng như yêu cầu nhiệm vụ đặc thù riêng của Viện.
Về công tác khoa học, trong 3 năm (2020 – 2022), mặc dù đại dịch COVID -19 diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới và khắp lãnh thổ Việt Nam nhưng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã chủ động thích ứng với tình hình mới, kịp thời điều chỉnh các hoạt động chuyên môn, khẩn trương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học tư vấn chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước do Bộ VHTTDL giao. Trong đó có những nhiệm vụ có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của văn hóa – xã hội của đất nước.
Về tư vấn chiến lược và chính sách, Viện thực hiện nghiên cứu xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Nghiên cứu các lĩnh vực: phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể dục thể thao; đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước triển khai trong thực tiễn; tư vấn bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
Về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, trong 3 năm 2020-2022, Viện thực hiện 1 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 16 nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, 17 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, 13 dự án thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá” (năm 2020), 1 nhiệm vụ tăng cường tiềm lực KH&CN (2021-2022), và các đề tài, dự án liên kết với các đơn vị, địa phương…
Từ năm 2020- 2022, Viện đã phối hợp với các đơn vị trong nước và nước ngoài tổ chức thành công nhiều Hội thảo quốc tế và trong nước. Công tác tổ chức các Hội nghị, Hội thảo khoa học của Viện trong những năm qua ở các bộ, ngành, địa phương trong cả nước và nước ngoài đã mang lại những giá trị về nhân văn, về chính trị, văn hóa – kinh tế – văn hóa của ngành và đất nước là vô cùng quan trọng, không những phục vụ cho công tác nghiên cứu lý luận, văn hóa mà còn đóng góp những luận cứ khoa học, tư vấn cho lãnh đạo Bộ, tham mưu cho Đảng, Nhà nước kịp thời bổ sung, sửa đổi những định hướng chương trình, kế hoạch, xây dựng cơ chế chính sách trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, gia đình, du lịch và thể thao.
Qua đó, góp phần quan trọng giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam phù hợp với chiến lược phát triển và bảo vệ đất nước trong từng giai đoạn cách mạng, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta trong tình hình mới.
Trong những năm qua, Tạp chí Văn hóa học xuất bản đều đặn 2 tháng/ số, được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đánh giá cao. Viện xuất bản được nhiều cuốn sách có giá trị: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm trong xã hội đương đại; Nghiên cứu văn hóa miền Trung năm 2021; Chuyên đề di sản văn hóa Quảng Nam; Tiếp cận văn hóa ẩm thực Huế; Văn hóa Nghệ thuật Nam Bộ và Nam Tây Nguyên…
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là cơ sở đào tạo tiến sĩ có bề dày kinh nghiệm với 32 năm đào tạo tiến sĩ với 5 chuyên ngành, trong đó có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo nghiên cứu sinh đến từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Viện cũng tiếp nhận một số nghiên cứu sinh, thực tập sinh từ các nước Pháp, Ý, Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc và Lào sang học tập và nghiên cứu tại Viện.
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tổ chức thành công các lớp bồi dưỡng kiến thức: “Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam” vào các năm 2020, 2021, 2022; Lớp bồi dưỡng kiến thức “Văn hóa truyền thông” năm 2021, 2022; Lớp bồi dưỡng kiến thức “Quản lý văn hóa” năm 2022.
Về công tác hợp tác quốc tế: là Viện nghiên cứu hàng đầu quốc gia về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam luôn coi trọng công tác hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực trình độ chuyên môn và mở rộng tầm nhìn của đội ngũ cán bộ khoa học, thu hút nguồn lực, trí tuệ, vật chất giúp Viện phát triển và quảng bá hình ảnh của Viện ở các nước trong khu vực và quốc tế.
Trong giai đoạn 2020-2022, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước tổ chức và thực hiện thành công rất nhiều các chương trình, tọa đàm, hội thảo, dự án, như: Hội đồng Anh (Không gian văn hóa và Sáng tạo Việt Nam, Chương trình trao đổi giữa các không gian sáng tạo tại Vương quốc Anh và Đông Nam Á, chuỗi dự án Di sản kết nối), ICHCAP (Dự án ichLinks: Xây dựng nền tảng tích hợp để chia sẻ thông tin về di sản văn hóa phi vật thể tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương), UNESCO (Dự án Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam vào các năm 2020,2021 và 2022; Dự án Thiết lập cơ chế bền vững mới cho việc thu thập dữ liệu nghiên cứu về Di sản văn hóa PVT ở Việt Nam hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Di sản văn hóa Phi vật thể ở Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (IRCI); Dự án thí điểm của UNESCO về Chỉ số văn hóa hợp tác với UNESCO tại Việt Nam…
Ngoài ra trong giai đoạn này, Viện cũng đã có những buổi gặp mặt và thảo luận về các công việc trong tương lai cũng như thực hiện các chương trình về nghệ thuật với các Đại sứ quán (Ý, Đức, Colombia) tại Việt Nam, với Viện Pháp. Về mặt đào tạo và tập huấn, Viện cũng mời các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy cho nghiên cứu sinh cũng như nghiên cứu viên của Viện, đồng thời tổ chức 1 lớp tập huấn cho các cán bộ nghiên cứu của Lào diễn ra tại Việt Nam.
Trong năm 2020 đã có 4 đoàn công tác của Viện ra nước ngoài cũng như tiếp nhận 4 nghiên cứu sinh/chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu, thực hiện dự án. Do tình hình dịch COVID 19 nên trong năm 2021 không có bất kỳ một đoàn công tác nào, tuy vậy sau khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, năm 2022, số lượng đoàn công tác tăng: 12 đoàn công tác đi nước ngoài, tiếp nhận 5 trường hợp nghiên cứu sinh, chuyên gia vào Việt Nam nghiên cứu.
Có thể nói, phát huy truyền thống vẻ vang trong suốt hơn 50 năm qua, Tập thể lãnh đạo Viện qua các thời kỳ đã cùng cấp ủy, công đoàn và toàn thể viên chức người lao động không ngừng nỗ lực, phấn đấu, học tập và rèn luyện vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để cùng nhau xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh, toàn diện, luôn hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng, được Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ VHTTDL ghi nhận và đánh giá cao.
Được Bộ VHTTDL tuyên dương là tập thể điển hình tiên tiến là nguồn động viên khích lệ mạnh mẽ để Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trước yêu cầu, bối cảnh mới./.
*Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện
Nguồn: https://toquoc.vn/vien-van-hoa-nghe-thuat-quoc-gia-viet-nam-xung-dang-la-co-quan-nghien-cuu-hang-dau-quoc-gia-ve-linh-vuc-van-hoa-nghe-thuat-20241211154514332.htm