SGGPO
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Cuba đã tham dự diễn đàn tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong nông nghiệp và năng lượng.
Sáng 12-5, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam – Cuba. Buổi lễ có sự tham dự của bà Ariadne Feo Labrada, Tổng Lãnh sự Cuba tại TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: MAI HOA |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức bày tỏ, Việt Nam và Cuba tuy xa cách về địa lý, song có những nét tương đồng trong công cuộc dựng nước, giữ nước, khát vọng, lý tưởng cách mạng, cũng như truyền thống hào hùng của hai dân tộc.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước là một nhiệm vụ trọng tâm của hai nước và cũng là mong muốn của nhiều thế hệ nhân dân Việt Nam – Cuba.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại châu Á lớn thứ 2 của Cuba. Trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 250-350 triệu USD. Về hợp tác đầu tư, Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực châu Á tại Cuba với 5 dự án đã triển khai, trong khi đó, Cuba cũng đã triển khai dự án Công ty TNHH Labiofam Việt Nam chuyên sản xuất các chế phẩm sinh học.
Diễn đàn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Việt Nam – Cuba tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Ảnh: MAI HOA |
Ông Maury Hechavarris Bermudez, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Cuba nhìn nhận, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước còn tiềm năng rất lớn. Ông khẳng định Cuba luôn đồng hành với nhà đầu tư nước ngoài. Từ năm 2014, Cuba thông qua luật về đầu tư, với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, trong 8 năm nhà đầu tư nước ngoài sẽ không phải đóng thuế. Cuba cũng có ưu thế về vị trí đắc địa, sự ổn định chính trị, hạ tầng sẵn có giúp các nhà đầu tư giảm được chi phí đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể hơn, ông Edisnel Gonzalez Valdes, Tổng giám đốc Công ty ngũ cốc nông nghiệp Fernando Echenique mong muốn hợp tác sản xuất lúa gạo ở khu vực mà công ty ông được giao. Hiện phía công ty đang thiếu về phân bón, máy móc nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi lợi thế là diện tích sản xuất rất lớn (hơn 25.300ha), đất trồng trọt màu mỡ và thích hợp để trồng lúa.
Tương tự, ông Osmel Otero Rodriguez, Tổng giám đốc Công ty ngũ cốc nông nghiệp Sur del Jibaro cũng kêu gọi đầu tư cho diện tích trồng lúa gạo lên tới hơn 35.000 ha của công ty.
Các doanh nghiệp Việt Nam – Cuba trao đổi thông tin về các lĩnh vực kêu gọi đầu tư, hợp tác. Ảnh: MAI HOA |
Lãnh đạo TPHCM và Cuba tham quan các gian hàng trưng bày tại diễn đàn. Ảnh: MAI HOA |
Trong khi đó, với kinh nghiệm đầu tư ở Cuba từ năm 1992 đến nay, Công ty cổ phần đầu tư thương mại Thái Bình hiện có 3 nhà máy tại Cuba với tổng trị giá khoảng 50 triệu USD. Đó là nhà máy sản xuất tã lót, băng vệ sinh hiện đang đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước; 1 nhà máy sản xuất bột giặt, chất tẩy rửa; công viên năng lượng mặt trời.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm của công ty Cuba sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: MAI HOA |
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thái Bình cho biết, hiện nay 100% hàng tiêu dùng của Cuba là hàng nhập khẩu. Với dân số 11 triệu dân, thị trường Cuba rất thích hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất. Các doanh nghiệp Cuba cũng ưu tiên mua hàng hóa sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu, nên đầu tư nhà máy sản xuất tại Cuba là một lợi thế. Đặc khu Mariel với cơ chế một cửa rất thuận lợi cho nhà đầu tư.
Ông Thuận cũng phân tích rõ các khó khăn thuận lợi khác và khẳng định sẵn sàng hợp tác, tư vấn cho các doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư ở thị trường Cuba.