Đến dự Hội nghị về phía lãnh đạo trung ương có đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.
Về phía lãnh đạo TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM; Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM… Cùng đại diện Tổng Lãnh sự, Lãnh sự các nước Vương Quốc Anh, Campuchia, Hà Lan, Liên bang Nga, Trung Quốc,… tại TPHCM.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao thành phố với mục tiêu quảng bá hình ảnh TPHCM, giới thiệu các dự án, chính sách thu hút đầu tư, khẳng định những lợi thế và tiềm năng, thế mạnh của lĩnh vực văn hóa và thể thao TPHCM, góp phần khai thác tiềm năng, xây dựng phát triển các công trình văn hóa và thể thao đa năng, hiện đại, xứng tầm quốc tế, qua đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao thành phố, đóng góp tăng trưởng kinh tế xã hội cho thành phố.
TPHCM là một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Hiện thành phố là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GRDP. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố có 12.398 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 57,6 tỷ USD (TPHCM dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước). Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, tiềm năng về phát triển công nghiệp văn hóa của TPHCM còn rất lớn nhưng chưa được khai thác tốt. Các thiết chế văn hóa, thể thao so với yêu cầu của đô thị trung tâm chưa được đầu tư và phát triển ngang tầm, đến hiện tại thành phố chưa tổ chức được sự kiện như đăng cai SEA games, các sự kiện châu lục, thế giới.
Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, chính quyền thành phố mong muốn cùng các nhà đầu tư, các bên có liên quan cùng giải bài toán này, để đến năm 2030, TPHCM có các thiết chế văn hóa đủ sức tổ chức các sự kiện ngang tầm châu lục, phát triển hơn nữa ngành công nghiệp văn hóa của thành phố. Các dự án không chỉ là đầu tư, mà còn là hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở TPHCM.
Tại Hội nghị, các vấn đề liên quan đến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa, thể thao được các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đặt câu hỏi. Trong đó, các nội dung về thuế, thủ tục pháp lý, cơ quan hướng dẫn thủ tục, tham quan thực tế vị trí dự án… đã được đề cập.
Tập đoàn CT Group quan tâm đến 2 dự án: Dự án xây dựng mới Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Lao động A-B và Xây dựng Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật TPHCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nêu vấn đề tại Hội nghị, ông Mai Trọng Linh, Phó Giám đốc Phát triển dự án, Tập đoàn CT Group, muốn biết UBND TPHCM và các sở ngành liên quan sẽ đề xuất những chính sách hỗ trợ cụ thể như thế nào về quy trình thủ tục đầu tư, đất đai, tài chính, thuế,… hoặc ban hành khung pháp lý hướng dẫn cụ thể một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 98 để khuyến khích, thu hút nguồn lực của Nhà đầu tư.
Trả lời vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án văn hóa – thể thao. Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), cho biết: Những dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa khi vay vốn tại HFIC sẽ được TPHCM xem xét, hỗ trợ lãi suất theo Quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, ban hành kèm Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 19-9-2023 của Hội đồng nhân dân TPHCM, cụ thể:
+ Mức vốn vay tối đa của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỷ đồng, trong đó phần vốn đầu tư xây dựng công trình được hỗ trợ tối đa 70%, phần vốn đầu tư công nghệ thiết bị được hỗ trợ tối đa là 85%, thời gian hỗ trợ không quá 7 năm.
+ Căn cứ quy mô, trường hợp được thành phố phê duyệt, các dự án đơn vị quan tâm sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi suất. Trong đó, mức lãi suất được hỗ trợ tối đa không vượt quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi cuối kỳ) bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM (Agribank – CN TPHCM, BIDV – CN TPHCM, Vietcombank – CN TPHCM, Vietinbank – CN TPHCM) cộng thêm phí quản lý 2%/năm. Trường hợp lãi suất cho vay của HFIC chênh lệch với mức lãi suất được hỗ trợ thì chủ đầu tư có trách nhiệm cân đối phần chênh lệch lãi suất không được hỗ trợ.
+ Ngoài ra, để được TPHCM xem xét, hỗ trợ lãi suất, các dự án đầu tư cần đảm bảo khả năng trả nợ cũng như đáp ứng được các điều kiện vay vốn của HFIC, chủ đầu tư chưa ký hợp đồng với nhà thầu, nhà cung cấp đối với các hạng mục (xây lắp, thiết bị, công nghệ) được đề xuất hỗ trợ.
Tại Hội nghị, đại biểu cũng đề cập các công trình văn hóa, thể thao trong giai đoạn trước chủ yếu áp dụng loại hợp đồng BT, đã dừng thực hiện từ năm 2020 theo quy định của Luật PPP. Thực tế, các công trình văn hóa thể thao chưa chứng minh được khả năng tạo nguồn thu đủ bù đắp đầu tư ban đầu của nguồn vốn tư nhân. Tại danh mục dự án PPP mà TPHCM kêu gọi, loại hình hợp đồng dự kiến áp dụng là BOT, trường hợp nhà đầu tư chưa thể thu hồi vốn trong thời gian vận hành, trong trường hợp này thành phố có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư như thế nào?
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, cho biết: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án PPP, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 04, ngày 25-1-2024, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị cá nhân trong quản lý, thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn. Việc này tạo điều kiện thuận lợi, trong quá trình quản lý các dự án đầu tư PPP. Tùy thuộc vào tính chất dự án và năng lực tài chính, các nhà đầu tư đề xuất hỗ trợ, vốn nhà nước có thể tham gia 50% vào các dự án này. Với các dự án BOT, BOO, trong quá trình thực hiện doanh thu thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, nhà nước sẽ chia sẻ với nhà đầu tư 50% tổng chênh lệch giữa mức 75% trong mức doanh thu thực tế và mức doanh thu trong phương án tài chính”.
Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận, tại hội nghị cho hay, TPHCM đang đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án, trong đó, có 23 dự án được HĐND TPHCM thông qua danh mục đầu tư (trong đó có 5 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước, 18 dự án còn lại thành phố mời gọi nhà đầu tư quan tâm, cùng nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả), trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn tại Khu Liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc, tại Khu Trường đua Phú Thọ… Các dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của TPHCM. Ngoài 5 dự án nêu trên, TPHCM cũng đang mời gọi đầu tư đối với 18 dự án.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, các ý kiến tại Hội nghị không chỉ là của các nhà đầu tư đối với các dự án, mà còn là những đóng góp thêm cùng chính quyền thành phố trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định hướng phát triển văn hóa – xã hội ở TPHCM. Thành phố mong muốn có những nhà đầu tư lớn, để có các thiết chế xứng tầm, như Khu Liên hợp Thể thao Rạch Chiếc sẽ hình thành một hệ sinh thái cho ngành thể thao của thành phố. Và trong năm nay, thành phố cũng đưa vào khai thác trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của thành phố. Thành phố sẽ đảm bảo các điều kiện để các dự án đi vào hoạt động hiệu quả với chính sách ưu đãi và cải thiện môi trường đầu tư. TPHCM sẽ thành lập tổ PPP về văn hóa – xã hội – thể thao để làm đầu mối cho các nhà đầu tư dễ nắm bắt.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa được nêu tại Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM đã ưu tiên tập trung đầu tư 8 ngành để phát triển, nâng chất, tăng hàm lượng chất xám và khoa học – công nghệ cao trên từng sản phẩm. Qua số liệu ước tính tại Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, doanh thu đạt khoảng 7-8% GRDP, tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Và để các đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại TPHCM đi vào thực tế có hiệu quả, các nhà đầu tư, các đơn vị lãnh đạo liên quan cần nghiên cứu tìm kiếm thị trường cho ngành văn hóa – thể thao của TPHCM”.
THIÊN THANH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/xuc-tien-dau-tu-vao-23-du-an-thuoc-nganh-van-hoa-va-the-thao-tphcm-post763732.html