Với mong muốn cung cấp thêm thông tin cho khán giả yêu thích cải lương quá trình hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương đặc sắc, chương trình “Nghệ sĩ và Tri âm” đã thực hiện đêm diễn với chủ đề “Tìm về nguồn cội trăm năm”.
NSND Bạch Tuyết luôn yểm trợ cho các diễn viên trẻ giúp họ tỏa sáng trên sân khấu
Chương trình có sự tham gia của NSND-TS Bạch Tuyết cùng các nghệ sĩ như NSƯT Trọng Phúc, Vũ Luân, Hồ Ngọc Trinh, Minh Minh Tâm, Ngọc Đợi, Vân Khánh, Trinh Trinh; các nghệ sĩ Kim Luận, Võ Hoàng Dư, Mỹ Tiên, Thu Mỹ, Phú Yên, Mộng Cầm; ca sĩ Tống Hạo Nhiên cùng Vũ đoàn Bạch Dương… và sự góp mặt của các nghệ sĩ Bảo Châu, Minh Không, Hoàng Tuấn, Thanh Bình… trong các trích đoạn hát bội đậm chất cổ truyền.
Chương trình “Nghệ sĩ và Tri âm” do Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện,
Hơn 100 năm qua, cùng bao thăng trầm và thay đổi, nghệ thuật cải lương cũng chuyển biến theo từng giai đoạn cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Những điệu nhạc, lời ca, dễ học, dễ nhớ, cùng những hình ảnh thân quen, gần gũi với cuộc sống… không chỉ trở thành món ăn tinh thần đa dạng mà còn là lời động viên, tiếp sức cho người dân thêm mạnh mẽ, bền chí vượt qua bao trắc trở, thử thách, gian lao của thời cuộc.
Nhiều tiết mục hấp dẫn đã được dàn dựng trong chương trình “Nghệ sĩ và Tri âm”
Chương trình đã đưa khán giả trở về với những cột mốc tiêu biểu của sự hình thành nên sân khấu cải lương. Đó chính là bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Hơn trăm năm qua, mỗi khi “Dạ cổ hoài lang” được vang lên thì các nghệ sĩ cũng như người thưởng thức như được tìm thấy một phần số phận của mình trong đó.
Hơn 100 trăm năm sân khấu cải lương, nhiều thế hệ đã đóng góp cho quá trình xây dựng bản sắc văn hóa, khẳng định giá trị văn hóa đặc thù dân tộc là các soạn giả nỗi tiếng như : Cao Văn Lầu, Trần Hữu Trang, Năm Châu, Duy Lân, Hà Triều – Hoa Phượng, Kiên Giang, Viễn Châu…
Trong đó, soạn giả NSND Viễn Châu là người viết trên 70 vở cải lương, hơn 2.000 bài vọng cổ, người có đóng góp lớn cho sự định hình bản vọng cổ nhịp 32, cho ra đời bài “tân cổ giao duyên” và cũng là người thành công ở lĩnh vực viết vọng cổ hài.
Chương trình “Nghệ sĩ và Tri âm” có nhiều tiết mục được dàn dựng với hình thức mới
10 tiết mục của chương trình “Tìm về nguồn cội trăm năm” đã phần nào nhắc nhớ với công chúng về quá trình hình thành nên “đặc sản” cải lương đã sống với dân tộc Việt Nam hơn trăm năm qua. “Tìm về nguồn cội trăm năm” không chỉ đem đến những món ăn tinh thần phục vụ khán giả mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Chương trình “Nghệ sĩ và Tri âm” do Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện, đã ra đời gần 15 năm qua. Qua nhiều lần đổi mới đến nay chương trình được thực hiện định kỳ mỗi quý/lần và được truyền hình trực tiếp trên kênh LA34, phát thanh trực tiếp trên sóng FM – 96.9MhZ; Livestream trên trang Youtube – Fanpage Long An TV – Đài PT và TH Long An.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/xuc-dong-voi-dem-tim-ve-nguon-coi-tram-nam-cua-cai-luong-20231105122121723.htm