Khoảnh khắc con người vật lộn với bão lũ, lãnh đạo, bộ đội hết lòng giúp đỡ nhân dân… được truyền tải qua bộ tranh “Thương lắm, đồng bào tôi…” của họa sĩ Lê Sa Long.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt bão. Đây là 1 trong 13 bức thuộc bộ tranh “Thương lắm, đồng bào tôi…” do họa sĩ Lê Sa Long vẽ trong 5 ngày, từ 10-14/9.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới hiện trường vụ sạt lở thôn Làng Nủ,
Lào Cai chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ. Họa sĩ dành thời gian mỗi ngày theo dõi tin tức thiên tai qua báo đài. Điều thôi thúc anh quyết định vẽ bộ tranh là sau khi xem bản tin thời sự về trận lũ quét với những hậu quả kinh hoàng.
“Nhà em đâu? Cha mẹ em đâu rồi?” là tác phẩm họa sĩ đặc biệt tâm đắc trong bộ tranh. Hình ảnh cô gái cõng em đi chơi, khi trở về thấy cả làng tan hoang, cha mẹ cũng mất gây xúc động mạnh. Lê Sa Long vẽ liên tục trong 10 tiếng, sau khi liên tưởng đến câu chuyện tang thương ngoài đời.
Chiến sĩ bộ đội giúp dân sơ tán, thời điểm bão lũ tràn về dữ dội. Đa số các tranh được vẽ theo hình thức ký họa. Họa sĩ nói anh không sao chép y nguyên ảnh gốc, mà cố gắng thổi hồn, tình cảm để tạo tính mỹ cảm cho mỗi tác phẩm.
Bộ Quốc phòng điều máy bay chuyển hàng hóa cứu trợ tới Cao Bằng. Hàng hóa được tổ bay mang theo để cứu trợ bà con vùng lũ gồm lương khô, sữa, mì ăn liền… Họa sĩ sử dụng gam màu vừa phải, với sắc xanh đặc trưng của áo lính.
Nguyễn Huỳnh Bảo Nhi, Trường THCS Kiến Thiết (Quận 3, TPHCM) dành toàn bộ số tiền tiết kiệm để ủng hộ đồng bào miền Bắc. Họa sĩ muốn nhấn mạnh trong cơn nguy khốn, tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, đoàn kết của người Việt khiến bạn bè quốc tế thán phục.
Tác phẩm “Nước sông Hồng dâng cao chưa từng có, Hà Nội báo động đỏ” được vẽ hôm 10/9 – ghi nhận chuỗi ngày người dân Thủ đô bắt đầu vật lộn với trận ngập lụt chưa từng có suốt 20 năm qua.
Anh Nathan Keers (quốc tịch Anh) dùng thuyền phát cơm cho người dân bị cô lập do lũ ở Thái Nguyên. Những ngày qua, cả nước hướng về đồng bào vùng lũ với nhiều đoàn thiện nguyện đóng góp tiền bạc, nhu yếu phẩm và về tận nơi cứu trợ.
Bộ đội giúp dân ổn định cuộc sống sau bão lũ. Họa sĩ dự định vẽ thêm vài bức để ghi lại trọn vẹn các khoảnh khắc cơn bão lũ, nhằm hoàn thiện bộ tranh cho đợt triển lãm sắp tới.
Lê Sa Long dự định sẽ tổ chức triển lãm bộ tranh này cùng bộ “Sài Gòn những ngày giãn cách”. Tất cả thể hiện nỗi đau mất mát của người Việt và tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực vượt khó của đồng bào. Tiền bán được từ tranh, họa sĩ sẽ đóng góp hỗ trợ bà con miền Bắc.
Lê Sa Long tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM, từng đoạt Giải Nhất “Chân dung ký họa màu nước” năm 1999 do Hội Mỹ thuật TPHCM đồng tổ chức. Năm 2018, Lê Sa Long đoạt Giải Nhì vẽ về đất nước, con người Rumani do Lãnh sự quán Rumani tại TPHCM tổ chức. Năm 2021, họa sĩ gây chú ý với loạt tranh về tình người trong đại dịch. Một số bộ tranh nổi tiếng của anh như: Tranh và ký họa những câu chuyện về bánh mì Sài Gòn, tình người Sài Gòn; bộ tranh “Khẩu trang và người nổi tiếng”; bộ tranh tưởng nhớ 56 nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội…
Vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/xuc-dong-tinh-nguoi-trong-bao-lu-duoc-tai-hien-qua-tranh-ve-2322892.html