Xuất nhập khẩu vượt mốc 600 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục Chuyên gia nói gì về mức xuất siêu kỷ lục của năm 2023? |
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt con số gần 700 tỷ USD, thấp hơn con số kỷ lục 730,28 tỷ USD năm 2022, ông bình luận như thế nào về con số này?
Số liệu mà Bộ Công Thương mới đây công bố cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD.
Năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục nghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp |
Như vậy, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Năm 2023 xuất khẩu nhiều mặt hàng như điện tử, linh phụ kiện, dệt may, da giày, đồ gỗ,… không đạt được như mong muốn. Trong bối cảnh sự thay đổi rất mạnh mẽ của thị trường thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu đạt mức xấp xỉ năm 2022 thì cũng là sự nỗ lực của các Bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu, phát huy các yếu tố có liên quan trong hoạt động xuất nhập khẩu. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm tiếp tục được thu hẹp.
Theo đó, mức độ suy giảm trong xuất khẩu ngày càng được thu hẹp từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 4,6% trong cả năm 2023.
Trong hoạt động xuất khẩu, ta đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm; kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng; mức suy giảm xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực tiếp tục được thu hẹp.
Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ thu hẹp từ mức giảm 22,6% trong nửa đầu năm 2023 xuống mức giảm khoảng 11,2% trong cả năm 2023; EU thu hẹp từ mức giảm 10,1% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn khoảng 4,8% trong cả năm 2023; Hàn Quốc thu hẹp từ mức 10,2% xuống còn khoảng 2,5%…
Đáng chú ý, xuất khẩu của nước ta sang thị trường Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% trong 6 tháng đầu năm sang mức tăng khoảng 8,1% trong cả năm 2023 trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nỗ lực để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Mức giảm xuất khẩu của khu vực này trong năm 2023 (ước giảm 0,9%) thấp hơn nhiều so với mức giảm xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) (ước giảm 5,9%) và thấp hơn với mức giảm kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (ước giảm 4,6%).
Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng so với cùng kỳ năm trước (ước cả năm tăng 4,8%).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ, tổng kết năm 2023 bằng 2 từ “thách thức”, trong đó, “xanh hóa” là chủ đề được nhắc nhiều nhất trong suốt năm qua. Theo ông, các doanh nghiệp đã thích ứng như thế nào?
Trong năm 2023, vấn đề sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phát triển bền vững đã được nói đến khá nhiều. Nhiều thị trường đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn, ví dụ như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay Quy định chống phá rừng (EUDR) của Ủy ban châu Âu (EC).
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh |
Chúng ta phải đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh là một yêu cầu thực tiễn đặt ra. Rõ ràng, trong năm 2023, ở một số ngành nghề, việc thiếu đơn hàng không chỉ là phụ thuộc vào việc chậm đổi mới mẫu mã, kiểu dáng mà còn ở các tiêu chuẩn xanh hóa ở một số thị trường phát triển chúng ta vẫn chưa thích ứng được và đáp ứng kịp.
Việt Nam là quốc gia lấy xuất nhập khẩu làm động lực tăng trưởng. Chúng ta đã có hơn 1 năm để các ngành nghề như dệt may, da giày, sắt thép, gỗ… nắm lại tình hình tại các thị trường truyền thống, cũng như mở rộng tại các thị trường mà chúng ta có ký các FTA và các thị trường khác.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy những tháng cuối năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn, lượng doanh nghiệp đóng cửa, ngừng sản xuất giảm đi một cách đáng kể. Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2024 hi vọng sẽ tốt hơn.
Với thị trường trong nước, mặc dù có rất nhiều các chính sách kích cầu nhưng còn bấp bênh. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng với các chính sách về giảm thuế VAT, giảm các loại phí, lệ phí, hy vọng, tiêu dùng trong nước năm 2024 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn. Trên cơ sở đó sẽ đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trôi chảy hơn, tiêu thụ hàng hóa tốt hơn, lượng tồn kho hàng hóa giảm đi.
Chúng tôi kỳ vọng, năm 2024 sẽ tăng trưởng cao hơn cả trong xuất nhập khẩu, tiêu thụ trong nước và đạt được các mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra đó là tăng trưởng GDP 6 – 6,5% và từ đó tạo bản lề trong thời gian tới.
Trong năm 2023, thành công của đường lối đối ngoại kinh tế quốc tế đã được thể hiện rõ qua hàng loạt chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu. Việc này sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ra sao, thưa ông?
Hoa Kỳ là quốc gia Việt Nam xuất khẩu lớn nhất trong số các bạn hàng. Với việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường Hoa Kỳ và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Thực tế, trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ giảm sút rất mạnh, có thời điểm giảm sút tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào Việt Nam thì lượng xuất nhập khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng lên. Rõ ràng, việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kết nối giao thương cả đầu tư và thương mại 2 nước. Phía cơ quan quản lý Hoa Kỳ cũng hiểu hơn Việt Nam, các chính sách của Chính phủ của Nhà nước Việt Nam.
Trước đó, một số cơ quan Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách ‘‘giám sát thao túng tiền tệ’’. Tuy nhiên, Việt Nam cũng khẳng định chúng ta không phá giá đồng tiền để cạnh tranh thương mại bất bình đẳng, Việt Nam là quốc gia giữ ổn định đồng tiền Việt Nam. Các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận việc này.
Với Trung Quốc, đây là quốc gia Việt Nam xuất khẩu tương đối lớn, nhưng nói về mặt nhập khẩu thì đây là đối tác Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất. Hàng năm, chúng ta có thâm hụt cán cân thương mại nhiều nhất với Trung Quốc.
Trong Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây, hai bên đã ký 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ở các cấp Trung ương và địa phương, tạo khuôn khổ quan hệ hợp tác lâu dài, làm phong phú nội hàm hợp tác giữa hai nước.
Trong đó, có một số ngành nghề mà Việt Nam đang chú tâm, phát triển, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang quan tâm như điện, điện tử, linh phụ kiện,… Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc tốt hơn cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Đồng thời, giảm thiểu thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
Riêng trong đầu tư, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang vươn lên trở thành quốc gia đứng hàng đầu trong đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và hiện nay đang đứng trong Top 5 các quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Rõ ràng, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc đã ký từ lâu, đến thời điểm hiện nay đã được nâng lên tầm cao mới và trên cơ sở 2 bên hiểu biết lẫn nhau từ đó sẽ có những hợp tác lâu dài trong cả đầu tư và thương mại giữa hai nước.
Xin cảm ơn ông!