Công TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong (xã Giao Long, huyện Châu Thành) sản xuất nhiều sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Trần Quốc
Xuất khẩu sang 128 quốc gia, vùng lãnh thổ
Giai đoạn 2011 – 2020, kim ngạch XK các sản phẩm từ dừa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch XK của tỉnh, với 27,95%. Dệt may đứng thứ hai, với 23,7%. Bộ dây điện đứng thứ ba, với 20,5%. Túi xách da chiếm vị trí thứ tư, với 11,17%. Hàng rau quả và hàng thủy sản đứng thứ năm và thứ sáu tương ứng 7,94% và 8,6%.
Cơ cấu hàng NK của tỉnh có sự thay đổi, đặc biệt là các mặt hàng NK chủ yếu. Tỷ trọng NK nguyên phụ liệu may mặc và da giày tăng từ 18,4% năm 2011 lên 30,1% năm 2020. Các mặt hàng còn lại đều có xu hướng giảm. Năm 2020, tỷ trọng NK hàng điện tử và linh kiện đạt 3,8%, giảm 16,8% so với năm 2011 (20,5%). Các mặt hàng máy móc thiết bị giảm 4,8% và nguyên liệu dược, mỹ phẩm giảm 5,6%. Thị trường NK tập trung chủ yếu ở các nước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Năm 2011, hàng hóa của tỉnh được XK sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến năm 2020, XK sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước châu Á được xem là thị trường XK lớn nhất của tỉnh, chiếm 60,06% trong giai đoạn 2011 – 2020, tương đương đạt 4.723 triệu USD. Các mặt hàng XK chủ yếu là các sản phẩm dừa, cơ khí, điện tử, hàng dệt may, túi xách, thủy hải sản…
Các nước châu Mỹ là thị trường tiềm năng, trọng tâm ở khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ (Hoa Kỳ, Canada). Đồng thời, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được chính thức ký kết vào tháng 3-2018, tạo thuận lợi để đẩy mạnh XK hàng hóa của tỉnh vào thị trường châu Mỹ. Bến Tre XK sang thị trường này các sản phẩm như: hàng dệt may, thủy hải sản, sản phẩm từ dừa, nhân điều, trái cây. Kết quả, giai đoạn 2011 – 2020 đạt 1.617 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20,56% trong tổng kim ngạch XK toàn tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân 35,61%/năm.
Các nước khu vực châu Âu được xem là thị trường mục tiêu của tỉnh. Giai đoạn 2011 – 2020, kim ngạch XK đạt 982,744 triệu USD, tăng 15,9%/năm, chiếm tỷ trọng 12,5% trong tổng kim ngạch XK toàn tỉnh. Mặt hàng XK sang thị trường này gồm: thủy sản, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, than hoạt tính, trái cây…
Các nước khu vực châu Phi do năng lực tài chính có hạn nên nhà NK châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở Thư tín dụng L/C (do chi phí cao). Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin thị trường và khoảng cách địa lý cùng một số rào cản về mặt bảo hộ thương mại cũng khiến việc xử lý rủi ro đối với các doanh nghiệp (DN) còn gặp khó khăn. Việc giao dịch giữa các DN thường diễn ra trên mạng, rất nhiều rủi ro. Do đó, kim ngạch XK sang khu vực này còn ít. Giai đoạn 2010 – 2020 chỉ đạt 199,016 triệu USD, chiếm 2,53% trong tổng kim ngạch XK toàn tỉnh, tăng bình quân 3,87%/năm
Hạn chế và nguyên nhân
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, trong giai đoạn 2011 – 2020, hoạt động XNK của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Kim ngạch XNK liên tục tăng và có thặng dư thương mại. Cơ cấu XK có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Thị trường XK ngày càng được mở rộng. Thị trường XK trực tiếp chiếm tỷ trọng cao. Thị trường trung gian giảm dần, đảm bảo duy trì được thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới có nhiều tiềm năng. Mặt hàng XK có sự đa dạng về chủng loại, hàng qua chế biến tăng dần và giảm XK hàng thô…
Các sản phẩm từ dừa được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Trần Quốc
Bên cạnh đó, hoạt động XNK của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Kim ngạch XNK còn thấp. Thị trường XK hàng hóa mặc dù đã có bước tiến đáng kể, nhưng vẫn ít bạn hàng, phụ thuộc vào chỉ định của bên giao gia công. Nhiều DN còn XK qua trung gian và chưa chủ động được thị trường. Hàng công nghiệp gia công còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu hàng XK. Tỉnh có nguồn nguyên liệu tôm dồi dào nhưng chưa XK được. Đầu ra một số sản phẩm từ dừa và hàng nông sản còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống
Nguyên nhân của những hạn chế trên là: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, bó hẹp trong mô hình kinh tế hộ. Do đó, chưa thu hút được DN tiêu thụ nông sản theo liên kết vào chuỗi giá trị. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa có bước đột phá mới. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh mặc dù đã có nhiều cải thiện, các Chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tăng cao nhưng vẫn chưa tạo ra nhiều cơ hội để nhà đầu tư, DN mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nguồn nhân lực có chất lượng cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN.
Việc tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tại các DN nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn, do nguồn lực của các DN này còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng giao thông chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, các tuyến đường từ huyện trở xuống còn hạn chế tải trọng làm tăng chi phí vận chuyển… cũng là những nguyên nhân làm hạn chế hoạt động XNK của tỉnh.
(còn tiếp)
Trần Quốc