Tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt, thậm chí vượt 6%
Theo số liệu thống kê chi tiết của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa tháng 7.2024 đạt 36,24 tỉ USD, tăng 7,7% so với tháng trước. Tăng mạnh ở các nhóm hàng như: Điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ tăng; gạo tăng…
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế – nhận định, những con số tích cực về tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước 7 tháng năm 2024 cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang rất cố gắng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Từ đó tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, cũng như định hướng các mặt hàng của nước ta trên thị trường thế giới.
“Với những nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước, Việt Nam có khả năng đạt và thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2024. Tuy nhiên, cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ về tìm kiếm thị trường, cải thiện chất lượng sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp để đạt được mục tiêu này” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định.
Theo bà Đinh Thị Thúy Phương – Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 là kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực.
Có được kết quả như trên, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp đã tận dụng các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam được thế giới tin dùng.
Bên cạnh đó phản ánh xu hướng nhu cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, hoạt động sản xuất trong nước phục hồi, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.
Tận dụng cơ hội, mở cửa thị trường
Theo bà Đinh Thị Thúy Phương, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp như tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, đồng thời phổ biến cách thức tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước…
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, phía doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm thị trường, khách hàng mới, ký kết các hợp đồng xuất khẩu dài hạn và ngắn hạn (phục vụ dịp lễ, Tết). Tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, tăng lợi nhuận, từ đó có nguồn để đầu tư khuyến mãi, hậu mãi. Đồng thời, cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm xuất khẩu để đáp ứng các tiêu chuẩn và thị hiếu của thị trường.
Theo số liệu thống kê chi tiết của Tổng cục Hải quan vừa công bố, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước từ đầu năm 2024 tới nay khởi sắc, đạt 141,86 tỉ USD, tăng 20,8%, tương ứng tăng 24,47 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Cán cân thương mại xuất siêu 14,53 tỉ USD, thấp hơn 1,97 tỉ USD so với mức thặng dư 16,5 tỉ USD của cùng kỳ năm trước. Các thị trường tiêu dùng hàng hóa lớn của Việt Nam đều tăng lượng đơn hàng, nhờ đó xuất khẩu tăng 2 con số.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/xuat-nhap-khau-tang-truong-tich-cuc-muc-tieu-6-hoan-toan-kha-thi-1383533.ldo