Xuất nhập khẩu hàng hoá chính thức vượt mốc 500 tỷ USD; Việt Nam muốn thành trung tâm xuất khẩu thuốc giá trị 1 tỷ USD… là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 13-20/10.
Từ đầu năm đến nay, rau quả có tăng trưởng ấn tượng nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Xuất nhập khẩu hàng hoá chính thức vượt mốc 500 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến trung tuần tháng 10, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả nước đạt xấp xỉ 523 tỷ USD.
Cụ thể, từ 1-15/10, xuất khẩu cả nước đạt 14,2 tỷ USD. Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có 4 nhóm đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 10.
Dẫn đầu là điện thoại và linh kiện với 2,55 tỷ USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên 41,47 tỷ USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may…
Lũy kế từ đầu năm đến 15/10, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 272,74 tỷ USD, giảm hơn 24 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Về các mặt hàng, đáng chú ý, nửa đầu tháng 10 (1-15/10), xuất khẩu rau quả thu về 349,52 triệu USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên con số 4,56 tỷ USD, tăng trưởng tới 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 2 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, rau quả có tăng trưởng ấn tượng nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Đáng chú ý, những tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả đang tiếp tục có sự tăng tốc đáng ghi nhận. Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, những tháng còn lại của năm 2023, trong khi sầu riêng của các nước khác ở Đông Nam Á đã hết vụ, Việt Nam vẫn còn vùng sầu riêng ở Tây Nguyên chưa khai thác. Đây sẽ là cơ hội lớn để mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của ngành rau quả tiếp tục tăng kim ngạch trong thời gian tới.
Một mặt hàng khác cũng đang có dấu hiệu giảm bớt khó khăn. 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước ước đạt 26,93 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Công Thương đánh giá, mức giảm này chậm lại so với mức giảm 16,89% trong 6 tháng so với cùng kỳ năm 2022; chậm lại so với mức giảm 17,62% trong 5 tháng, song tăng 2,55% so với 8 tháng đầu năm 2019.
Nhu cầu dệt may thế giới năm 2023 có khả năng giảm 8 – 10%, sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm nay và cả những tháng đầu năm 2024. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022.
Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng tới. Được biết, gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU cũng khởi sắc hơn.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10 đạt 12,84 tỷ USD, qua đó nâng tổng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên 250,2 tỷ USD, giảm gần 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 10 đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước từ đầu năm đến 15/10 đạt xấp xỉ 523 tỷ USD, cán cân thương mại đạt thặng dư 22,54 tỷ USD.
Trước đó, năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD) so với năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 371,3 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ USD so với năm trước; trị giá nhập khẩu là 358,9 tỷ USD, tăng 7,8%, tương ứng tăng 26,06 tỷ USD. Đây là mức xuất nhập khẩu kỷ lục từ trước đến nay.
4 container hồ tiêu, quế, điều bị lừa đảo tại Dubai đã được lấy lại
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam vừa thông tin về 4 container trong số 5 container hàng hồ tiêu, quế, điều bị lừa đảo tại Dubai.
Thông tin nêu rõ, ngày 15/7/2023, sau khi nhận được báo cáo của một số doanh nghiệp bị lừa đảo 5 container hàng hóa hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi tại Dubai, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đã phối hợp cùng Hiệp hội Điều Việt Nam và các doanh nghiệp, ngân hàng, hãng chuyển phát nhanh, hãng tàu tổng hợp thông tin và báo cáo sự việc kể cả kiến nghị lên các cơ quan Chính phủ, các Bộ ngành, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại UAE, Đại sứ quán UAE tại Hà Nội và các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình.
Sau gần 3 tháng tích cực làm việc, với sự phối hợp, hợp tác giữa các bên, từ ngày 10 – 12/10/2023, Ngân hàng Ajman Bank (UAE) đã hoàn trả lại tiền cho các doanh nghiệp, tổng số tiền các doanh nghiệp đã được hoàn trả cho 4 lô hàng là 354.990,42 USD trên tổng số 355.232 USD tổng giá trị lô hàng.
Riêng 1 lô hàng hoa hồi hiện đang nằm tại cảng Jebel Ali từ ngày 26/7/2023 thì doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục làm việc với Ngân hàng Ajman Bank và yêu cầu thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh gồm phí kho bãi, phí luật sư, chi phí đưa hàng về lại cảng đi (Hải Phòng)…
Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam sẽ tiếp tục báo cáo và cập nhật tình hình vụ việc trong những ngày tiếp theo.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam chia sẻ, kết quả có được ngày hôm nay không thể không nhắc đến sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của Bộ Ngoại giao cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của các Bộ ngành liên quan gồm: Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại UAE trong đó có cá nhân Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn và Tham tán Thương mại Trương Xuân Trung.
Việt Nam muốn thành trung tâm xuất khẩu thuốc giá trị 1 tỷ USD
Việt Nam đặt mục tiêu chuyển một phần từ sản xuất thuốc generic sang thuốc phát minh, trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm trong khu vực với giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD.
Thông tin được Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết tại Diễn đàn đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế ngày 18/10 tại Hà Nội.
“Chiến lược quốc gia là phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao, hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”, Thứ trưởng nói.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Trong đó, giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng một tỷ USD.
TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý Dược, cho biết trước đây tiền thuốc bình quân đầu người của nước ta chưa đến 5 USD, còn nay ngành dược cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước, tiền thuốc bình quân đầu người tăng lên 70 USD.
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả thấp nhất trong khu vực. Tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng trong các năm gần đây duy trì ở mức thấp, dưới 2% trên tổng số mẫu lấy trên thị trường. Trong khi những năm 1990, tỷ lệ thuốc giả trên thị trường chiếm hơn 10%.
“Dù vậy, ngành dược vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt. Gần 90% nguyên liệu sản xuất thuốc là nhập khẩu. Tỷ lệ thuốc được đánh giá tương đương sinh học thấp, chỉ khoảng 10%”, ông Hùng nói.
Về sản xuất, Việt Nam đã phát triển số lượng doanh nghiệp được, tuy nhiên thuốc sản xuất trong nước chưa có tính cạnh tranh cao. Hơn 200 doanh nghiệp chủ yếu sản xuất thuốc generic (thuốc thế hệ hai). Thị trường trong nước có hơn 800 dược chất lưu hành, song số lượng dược chất doanh nghiệp trong nước sản xuất chưa quá 50%. Vì thế, một trong những mục tiêu phát triển ngành dược trong thời gian tới là chuyển một phần từ sản xuất thuốc generic sang thuốc phát minh.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để những tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, gồm cả việc thành lập cơ sở sản xuất thuốc để xuất khẩu sang quốc gia khác.
Hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt bán trên Amazon
Năm 2023, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán ra trên Amazon, giá trị xuất khẩu tăng 50%, số lượng đối tác bán hàng tăng 40%…
Thông tin trên được ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ tại hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2023 ngày 19/10 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị thu hút sự quan tâm của các hiệp hội ngành hàng, startup và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon.
Năm 2023, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được bán ra trên Amazon. (Nguồn: VnEconomy) |
Theo Amazon Global Selling, trên toàn cầu, sản phẩm từ các đối tác bán hàng bên thứ ba, trong đó có Việt Nam, chiếm 60% tổng số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon. Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất mới với năng lực sản xuất và cung ứng đa dạng sản phẩm.
Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2023, 5 ngành hàng Việt bán chạy nhất trên Amazon gồm: Nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe và chăm sóc cá nhân, may mặc, và làm đẹp.
“Việt Nam có lợi thế từ năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, đang đứng trước “cơ hội vàng” để tham gia và trở thành mắt xích mới nổi của chuỗi cung ứng thương mại điện tử toàn cầu”, ông Gijae Seong cho hay.
Ông Gijae Seong cũng lưu ý, các đối tác bán hàng cần tăng cường xây dựng thương hiệu và nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngành xuất khẩu trực tuyến, các tiêu chuẩn xuất khẩu tại thị trường nước sở tại …
Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện tận dụng các lợi thế và thúc đẩy động lực thành công cho xuất khẩu trực tuyến, Amazon Global Selling Việt Nam đã công bố 3 trọng tâm chiến lược năm 2024.
Cụ thể, tăng cường sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam bằng cách đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan Chính phủ, các đối tác chiến lược đề trang bị kiến thức và cung cấp đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước; Thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng; Nâng cao chất lượng và thành công của nhà bán hàng Việt thông qua đào tạo, xây dựng và phát triển thương hiệu…