Xuất, nhập khẩu cùng khởi sắc
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa nửa đầu năm ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Xuất khẩu dệt may khởi sắc nửa đầu năm |
Cụ thể, đối với xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2024 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).
Điểm đáng chú ý trong hoạt động xuất khẩu hàng hoá là nhiều mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng. Đơn cử, xuất khẩu dệt may nửa đầu năm 2024 đã đạt 16.282 triệu USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, so với cùng kỳ năm 2023, đơn hàng đầu năm 2024 đã nhiều hơn, thời gian đặt hàng dài hơn. Đa phần các công ty may của Tập đoàn đủ đơn hàng đến tháng 10 và đang đàm phán đơn hàng cho những tháng tiếp theo chứ không phải “ăn đong” từng tháng như năm 2023.
Tính chung xuất khẩu toàn ngành dệt may 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, điểm sáng là dệt may Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Trung Quốc giảm 2%, đạt 66 tỷ USD; Bangladesh chỉ tăng 3,9%, đạt 21,7 tỷ USD (Bangladesh tháng 5/2024 suy giảm mạnh 16%). Sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện, mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá khi Việt Nam đồng (VND) mất giá 5% so với đồng đô la Mỹ (USD) kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD.
Với các mặt hàng nông sản, xu thế chung là giá xuất khẩu đang neo ở mức cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng ước đạt 18,37 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: cà phê tăng 34,5% về trị giá xuất khẩu mặc dù lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,6%; gạo chỉ tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về trị giá xuất khẩu…
Đặc biệt, ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hoá có mức độ tăng trưởng rất tốt và cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu. 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm cho thấy tín hiệu tích cực khi có tới 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu.
TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại cho biết, đối với nền kinh tế thiên về gia công xuất khẩu hàng hoá như Việt Nam, việc gia tăng nhập khẩu là tín hiệu đáng mừng vì hiện nay, kim ngạch nhập khẩu vẫn chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Việc nhập khẩu nguyên phụ liệu và hàng cần nhập khẩu chiếm gần 90% tổng kim ngạch nhập khẩu là tín hiệu cho thấy sản xuất phục hồi và sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu sắp tới.
Con số nào cho xuất nhập khẩu năm 2024?
Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023, cán cân thương mại thặng dư dự kiến khoảng 15 tỷ USD.
Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đang có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tốt. Chưa kể, kinh tế, thương mại toàn cầu đang trên đà hồi phục và tăng trưởng tốt hơn vào năm 2025. Theo WTO (tháng 04/2024), khối lượng thương mại hàng hóa thế giới tăng trưởng 2,6% năm 2024 và 3,3% năm 2025. Xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm 2024 (nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết Quý III/2024). Giá nhóm hàng lương thực có thể tiếp tục tăng và giữ ở mức cao, thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.
Song song với đó, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất được đẩy mạnh trong những tháng gần đây cho thấy hoạt động xuất khẩu hàng hóa thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao.
TS Lê Quốc Phương còn đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong xúc tiến xuất khẩu hàng hoá. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nỗ lực triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại đem lại nhiều kết quả tích cực đối với một số mặt hàng.
Ngoài ra, theo chu kỳ, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thị trường thế giới trong những dịp cuối năm; Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng từ Mỹ và có nhiều lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết cũng sẽ mang lại những kết quả tích cực.
Do đó, nếu như xuất nhập khẩu hàng hoá giữ vững được “phong độ” tăng trưởng như hiện nay, có thể kỳ vọng, xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2024 sẽ tiếp tục đạt được một dấu mốc mới là vượt 750 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay.
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-nhap-khau-hang-hoa-nam-2024-co-the-vuot-750-ty-usd-330490.html