Ách tắc xuất khẩu
Theo phản ánh của một số cơ sở xuất khẩu, nuôi tôm hùm tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, thị trường Trung Quốc đã dừng nhập khẩu tôm hùm bông từ tháng 10 đến nay. Đây không phải là lần đầu tiên xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường này bị gián đoạn. Vào cuối tháng 9 năm nay, khoảng 6 tấn tôm hùm của các doanh nghiệp xuất qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) cũng bị ngừng lại, doanh nghiệp phải bán ra thị trường với giá chỉ từ 200.000 – 400.000 đồng/kg, bằng 1/3 giá xuất khẩu, để thu hồi vốn. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ tôm hùm lớn nhất của VN nhưng năm nay, kim ngạch giảm mạnh. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm hùm của VN sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Anh Thư – Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), xác nhận: “Công ty chúng tôi là đơn vị ký kết xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang Trung Quốc, tuy nhiên, tình hình tiêu thụ tại thị trường này trong năm nay rất khó. Mặc dù khách hàng đã ký hợp đồng hàng ngàn tấn nhưng đơn đặt hàng chỉ rải ra vài tấn, chủ yếu vẫn là tôm hùm xanh, còn tôm hùm bông thì khách không mua”. Thị trường Trung Quốc không ăn hàng khiến tôm hùm bông có kích cỡ to hơn và giá bán cũng cao hơn gấp đôi so với tôm hùm xanh nhưng đang bí đầu ra nên giá tôm hùm bông đang rớt xuống, thấp hơn cả tôm hùm xanh.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết năm 2022, xuất khẩu tôm hùm VN sang Trung Quốc đạt trên 257 triệu USD, tăng 8,3 lần so với năm 2021 nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau thời gian dài thị trường này đóng cửa do đại dịch Covid-19. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ tôm hùm của Trung Quốc giữ ổn định, thậm chí tăng trên 15% khối lượng tôm hùm nhập khẩu. Các nguồn cung tôm hùm lớn nhất cho Trung Quốc gồm Canada, Mỹ, New Zealand, Cuba, Ấn Độ, Brazil, Mexico…
“VN chỉ đứng thứ 14 về cung cấp tôm hùm cho Trung Quốc, chiếm thị phần nhỏ 1%. Các sản phẩm tôm hùm của VN xuất khẩu sang Trung Quốc gồm tôm hùm đá, tôm hùm bông, tôm hùm xanh tươi, sống. Năm nay, trước tình hình tiêu thụ toàn cầu gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, giá bán tôm hùm của VN lại khá cao nên không cạnh tranh nổi với các nước khác như Ecuador hay Ấn Độ, chính vì vậy thị trường tiêu thụ có lúc gặp gián đoạn”, đại diện truyền thông VASEP phân tích.
Giải pháp nào?
Đại diện VASEP thông tin hiện nay việc tiêu thụ tôm hùm chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Người nuôi tôm hùm luôn gặp nhiều rủi ro khi giá cả lên xuống thất thường, bị thương lái ép giá… Bên cạnh đó, xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng hẹp dần khi Trung Quốc đang dần áp dụng những điều kiện nghiêm ngặt. Để đảm bảo thuận lợi trong tương lai, việc đưa tôm hùm xuất khẩu chính ngạch là rất cần thiết. Muốn vậy, cấp thiết phải tạo liên kết sản xuất, thu mua, xuất khẩu tôm hùm gắn với truy xuất nguồn gốc. Để xác minh và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, trong tháng 9, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Thương vụ VN tại Trung Quốc và Cục Hải quan Nam Ninh (Tổng cục Hải quan Trung Quốc).
Trong khi chờ phản hồi từ phía Trung Quốc, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường kiểm soát chất lượng tôm hùm giống, phòng trị bệnh; hướng dẫn đăng ký nuôi lồng bè và bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng kế hoạch. Đồng thời, Cục Thủy sản cũng khuyến cáo người dân lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp, trong đó, giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh và thu hoạch vào thời điểm thích hợp. Cơ quan này cũng yêu cầu tổ chức xây dựng chuỗi liên kết tôm hùm chất lượng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.
Ông Lâm Duy Dũng, Phó chủ tịch UBND TX.Sông Cầu (Phú Yên), chia sẻ: “Chúng tôi đang cùng với Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT tiến hành hỗ trợ các hợp tác xã thủy sản xây dựng chuỗi giá trị , tập huấn, triển khai cho bà con tiến hành liên kết giữa công ty giống, công ty thức ăn để tiến hành xây dựng mã số vùng nuôi sau đó xuất bán sang các nước trên thế giới, tăng giá trị cũng như giảm bớt tối thiểu vùng nuôi gây ảnh hưởng đến môi trường”. Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có khoảng 99.600 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng tôm đã thu hoạch gần 2.000 tấn, việc ra đời hợp tác xã là tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch”.
Để xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải được cấp mã doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và chứng thư kiểm dịch do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cấp. Do đó, người nuôi cần tập trung chăm sóc và theo dõi sát diễn biến của thị trường, thả nuôi mật độ vừa phải và đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước. Theo đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025 của Bộ NN-PTNT, mục tiêu tổng sản lượng nuôi đạt 3.000 tấn một năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD một năm. Các tỉnh sản xuất tôm hùm lớn nhất cả nước gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang.
Doanh nghiệp thủy sản vẫn khó khăn về vốn
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN vừa có báo cáo về tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản và các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.
Theo VASEP, phần lớn doanh nghiệp của VN chủ yếu là quy mô nhỏ và vừa, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, nên nguồn vốn ngân hàng là kênh chính để đầu tư, phát triển, đặc biệt giai đoạn hiện nay ngoài nguồn vốn vay, các kênh huy động vốn từ thị trường tài chính gần như không hiệu quả. Việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. Giao dịch cho vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần được nhận định là một hoạt động kinh doanh bình thường trong đó sản phẩm là nguồn vốn. Việc áp trần chi phí lãi vay này sẽ khiến doanh nghiệp không có đủ tiềm lực hoặc ngại đầu tư, đổi mới công nghệ. Trong khi đầu tư, đổi mới là sống còn cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, cũng như nền kinh tế của đất nước nói chung.