(HQ Online) – Mặc dù xuất khẩu (XK) tôm đã có những khởi sắc trong tháng đầu năm 2024, nhưng doanh nghiệp lại đang đối mặt với những khó khăn mới, cần linh hoạt, chủ động ứng phó.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty CP Sao Ta |
Linh hoạt ứng phó
Tính tới ngày 15/1/2024, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 15 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2023, XK tôm sang Mỹ đạt 682 triệu USD, giảm 15% so với năm 2022. Sau khi giảm mạnh 47% trong quý 1/2023, XK tôm sang Mỹ trong quý 2 thu hẹp mức sụt giảm, XK trong 2 quý 3 và 4, XK tôm sang Mỹ phục hồi tăng trưởng lần lượt 15% và 23%.
Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA), một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Mỹ, mới đây đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, chưa rõ kết quả như thế nào, nhưng XK tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong năm nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, căng thẳng biển Đỏ đầu năm 2024, khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng, cũng là một chướng ngại cho doanh nghiệp trong năm 2024.
Liên quan đến vụ việc này, mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm Việt Nam để có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, quyết định việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý đại diện và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh.
Trước khởi xướng điều tra chống trợ cấp của Mỹ với tôm Việt Nam, doanh nghiệp cần chuẩn bị mọi mặt và tích cực để đáp ứng yêu cầu hồ sơ từ phía Mỹ. Trong đó, chủ động nghiên cứu, nắm quy định, thủ tục điều tra chống trợ cấp của Hoa Kỳ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc, phối hợp với Hiệp hội và Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.
Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp
Một mấu chốt quan trọng của mặt hàng tôm nuôi là vấn đề giống. Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát chất lượng con giống tôm nuôi, đảm bảo không có con giống kém chất lượng, dịch bệnh ra thị trường.
Hiện nay, chi phí thức ăn nuôi tôm chỉ chiếm 30-40% chi phí nuôi. Do giá thức ăn tôm cao, hơn 30.000 đồng/kg nên khi tăng 3.000 – 5.000 đồng/kg xem như tăng 10-15%. Ngoài chi phí thức ăn, chi phí điện cũng tăng đáng kể (chiếm 10% chi phí nuôi tôm, đặc biệt đối với nuôi công nghệ cao). Tuy nhiên, giá điện nuôi tôm hiện nay được tính theo giá điện dịch vụ và theo nhiều mức giá khác nhau nên ảnh hưởng đến giá thành nuôi nguyên liệu. VASEP kiến nghị tính điện 1 giá cho cơ sở nuôi tôm.
Nắm bắt cơ hội, nhưng thách thức không ít, ngành tôm cần sự chung tay của Chính phủ, chính quyền địa phương, các mắt xích trong toàn chuỗi. Ngành chế biến phải không ngừng tiếp cận xu thế người tiêu dùng, thị trường để có sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhất.
Ngành nuôi cần có sự căn cơ hơn, tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn nhằm có nền tảng quy hoạch tổng thể khu nuôi mang tính khoa học, hợp lý… Với sự cạnh tranh mạnh từ các nước sản xuất đối thủ, hiện tại ngành tôm nên tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn để chất lượng và giá thành ổn định, giúp tăng khả năng cạnh tranh của con tôm Việt.
Theo VASEP, năm 2023, các sản phẩm tôm tươi, đông lạnh XK sang Mỹ trong năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ hơn so với các sản phẩm tôm chế biến. Đáng chú ý, XK tôm sú sang Mỹ năm 2023 ghi nhận tăng trưởng dương, chủ yếu nhờ các sản phẩm tôm sú tươi, đông lạnh tăng 10%, đạt 59 triệu USD. |