Tháng 10/2023, Việt Nam là thị trường duy nhất có lượng và trị giá xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc tăng Nhiều mặt hàng thủy sản đã tăng xuất khẩu trở lại trong tháng 11/2023 |
Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ước xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu tập trung vào: Tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.
Xuất khẩu thủy sản năm 2023 thu về 9,2 tỷ USD |
Ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine kéo dài, giao tranh giữa Israel – Hamas, tình hình bất ổn tại Trung Đông khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm; giá cả một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp; Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam,… khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam không đạt được kế hoạch đề ra.
Theo ông Nhữ Văn Cẩn – Phó cục trưởng Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.
Riêng sản lượng khai thác chưa đạt chỉ tiêu đề ra là phải giảm còn 3,68 triệu tấn. Còn về nuôi trồng thì riêng nuôi biển đạt khoảng 9,5 triệu m3 lồng, tăng 5,5% so với năm 2022, cùng với 57.000 ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt khoảng 789.800 tấn, tăng 10,1% so với năm 2022.
Ông Dương Long Trì – Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam – cho rằng, sản lượng tôm và cá tra đều tăng nhưng nếu tăng sản lượng mãi cũng khó. Đến nay, sản lượng tôm nuôi khoảng 1,1 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn chỉ dao động từ 3,5 – 4 tỷ USD, trong khi trước đây chỉ có 700.000 tấn, giá trị cũng đạt tương đương. Vì vậy, cần xem xét giải pháp sơ chế, chế biến để nâng cao được giá trị sản phẩm chủ lực để nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Liên quan đến quản lý khai thác thủy sản, ông Nguyễn Văn Trung – Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá – cho rằng, cần hoàn thiện phần mềm Nhật ký điện tử phục vụ truy suất nguồn gốc thủy sản, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, số hóa dữ liệu là cơ sở quan trọng để quản lý, điều hành, minh bạch nghề cá. Sản lượng, nguồn lợi khai thác, số lượng tàu, số lao động thuyền viên tàu qua cảng phải áp dụng công nghệ số, phần mềm quản lý nhằm vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nguồn lực.
Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản – nhận định, nguồn lợi hải sản suy giảm; EC vẫn giữ cảnh báo “thẻ vàng”; nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục là những khó khăn ngành thủy sản tiếp tục phải đối mặt trong năm 2024.
Do đó, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương với ước thực hiện năm 2023. Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,5 tỷ USD.
Để vượt qua khó khăn về thị trường xuất khẩu, ông Trần Đình Luân cho rằng, phải tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang. Trong lĩnh vực khai thác phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy.
Ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng sản xuất xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới.