Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, do thị trường bất động sản khó khăn, nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước khác phục hồi chậm dẫn đến dư cung thép.
Giới chuyên gia dự báo, năm 2024, nhiều nhất ước tính Trung Quốc có thể xuất khẩu 90 – 95 triệu tấn thép, cao nhất 7 năm. Ngay cả bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi yếu, Trung Quốc vẫn xuất 75 – 80 triệu tấn thép năm nay.
Trung Quốc vừa báo cáo số liệu xuất khẩu thép cao nhất trong 8 năm gần đây |
“Khi nhu cầu trong nước không cao, Trung Quốc sẽ chuyển thép sang các dự án cơ sở hạ tầng nước ngoài, chủ yếu là ở các thị trường đang phát triển”, giới chuyên gia nhận định.
Việc quốc gia sản xuất thép nhiều nhất trên thế giới gia tăng xuất khẩu thép ra bên ngoài khi tiêu thụ trong nước suy yếu. Động thái này của Trung Quốc đang khiến nhiều nước lo ngại về khả năng dư thừa nguồn cung toàn cầu.
Tại thị trường thép trong nước, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam là gần 2,65 triệu tấn, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc chiếm trên 68% tổng lượng nhập khẩu của cả nước, đạt 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.
Riêng mặt hàng thép cuộn cán nóng, nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 1,89 triệu tấn, trị giá trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng HRC (sản phẩm thép cán nóng) nhập trong 2 tháng.
Thực trạng nhập khẩu sắt thép Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh hiện nay là do hầu hết sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%.
Giá bán thép của Trung Quốc và các quốc gia khác cung cấp cho Việt Nam đã giảm rõ rệt. HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4/2023. Giá bán HRC của Trung Quốc hiện dao động trong khoảng 520 – 560 USD/tấn, tùy loại. Điều này gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
Thông thường nhiều năm trước, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc bình quân chỉ chiếm khoảng 50%, thậm chí có thời điểm xuống hơn 40% tổng lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Với xu hướng nhập khẩu tăng mạnh vừa qua, một số chuyên gia ngành thép cho rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản nguội lạnh khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu.
Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam, năm 2023, thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 8,3 triệu tấn, tương đương hơn 62% tổng lượng thép nhập khẩu. Tiếp đến là Nhật Bản 14,3%, Hàn Quốc 8,3%,… Tính riêng với thép cán nóng, 70% lượng nhập khẩu là từ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp cho biết, giá bán thép của Trung Quốc và các quốc gia khác cung cấp cho Việt Nam đã giảm rõ rệt. Thép cuộn cán nóng của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý I/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý IV/2023.