Xuất nhập khẩu than đá tăng giảm trái chiều 11 tháng, xuất khẩu than thu về 211,3 triệu USD |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than trong tháng 4 đạt 109.219 tấn, tương đương 29,4 triệu USD, tăng đột biến tới 10.155% về lượng và tăng 10.105% về giá trị so với tháng trước. So với tháng 4/2023, xuất khẩu than tháng này tăng gần 16.900% về lượng và tăng hơn 13.000% về giá trị.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu than đạt 112.112 tấn, tương đương hơn 30,27 triệu USD, tăng 3.048% về lượng và tăng 2.283% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 270 USD/tấn, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của than Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, đạt 53.404 tấn, tương đương 12,43 triệu USD, tăng mạnh 14.612% về lượng và tăng 9.578% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nước này chiếm 47,6% về lượng và 41,1% về kim ngạch trong tổng lượng xuất khẩu 4 tháng năm 2024. Giá xuất khẩu bình quân đạt 232,8 USD/tấn, giảm 34% so với cùng kỳ 2023.
Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của than Việt Nam trong 4 tháng đầu năm |
Thị trường đứng thứ 2 là Hà Lan, đạt 20.644 tấn, tương đương 6,4 triệu USD, tăng 2.411% về lượng và tăng 2.486% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này 20.089 tấn than, tương đương 6,35 triệu USD, tăng gần 11.000% về lượng và tăng 7.887% về giá trị so với tháng 4/2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 314,3 USD/tấn, tăng gần 3% so với cùng kỳ.
Nam Phi là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 trong 4 tháng, với 17.020 tấn, trị giá 5,4 triệu USD. Đáng chú ý, cùng kỳ năm ngoái, quốc gia này không hề thực hiện hoạt động nhập khẩu. Giá xuất khẩu đạt 317,5 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá bình quân toàn thị trường.
Ngoài ra, các thị trường khác cũng chứng kiến mức tăng trưởng mạnh như Thái Lan, Philippines, Malaysia. Việc các quốc gia tăng cường nhập khẩu là do nhu cầu sử dụng than cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là nhiệt điện ngày càng tăng trong khi thủy điện gặp khó. Nguyên nhân do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến thời tiết nóng lên kỷ lục.
Theo báo cáo mới nhất, Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất ở Đông Nam Á. Tổng cục Thống kê cho hay, trữ lượng than đá tại Việt Nam có khoảng 50 tỉ tấn. Quảng Ninh là mỏ than quan trọng bậc nhất tại Việt Nam. Các mỏ than tại đây bắt đầu được đưa vào khai thác từ năm 1839. Trữ lượng lên tới 8,7 tỉ tấn cùng vị trí sát biển thuận tiện cho việc vận chuyển than đến thị trường quốc tế đã giúp cho Quảng Ninh trở thành khu vực khai thác than hàng đầu cả nước.
Bộ Công Thương cho biết, dự kiến khả năng huy động than tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 đạt từ 43-47 triệu tấn than thương phẩm/năm. Sau đó, giảm dần vào giai đoạn 2035-2045.
Theo dự báo, nhu cầu than sẽ ngày càng tăng cao đến năm 2035 từ 94-127 triệu tấn/năm, chủ yếu do sự gia tăng nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành kinh tế như xi măng, luyện kim, hóa chất, sau đó sẽ giảm dần còn từ 73-76 triệu tấn vào năm 2045.
Trong khi đó, than thương phẩm sản xuất trong nước chỉ duy trì khoảng 45-47 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2025-2035 và giảm dần còn 42-44 triệu tấn/năm vào 2045. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu than phục vụ sản xuất, dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 50-83 triệu tấn vào giai đoạn 2025-2035 và giảm dần còn khoảng 32-35 triệu tấn vào năm 2045.
Giá than dự kiến dao động ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2024. Xu hướng tăng giá nếu có, dự kiến diễn ra vào nửa sau năm 2024 nếu như kinh tế thế giới hạ cánh mềm thành công. Và cũng cần có sự kết hợp thêm của các yếu tố hạn chế nguồn cung, như căng thẳng chính trị tại những quốc gia xuất khẩu lớn (Nam Phi và Columbia), xung đột vũ trang làm ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển hàng hóa…
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-than-cua-viet-nam-tang-manh-320210.html