Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2024, lượng gạo xuất khẩu đạt 6,96 triệu tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước và giá trị đạt 4,35 tỷ USD, tăng 23%.

Về thị trường trong 9 tháng qua, xuất khẩu gạo sang ASEAN tăng mạnh 32,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Song, gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại giảm “chóng mặt”.

Cụ thể, 9 tháng qua, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chỉ đạt 241 nghìn tấn, thu về 141,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm mạnh 72%.

Số liệu thống kê trước đó cho thấy, trong nhiều năm qua Trung Quốc luôn là khách hàng lớn của gạo Việt Nam. Năm 2012, quốc gia tỷ dân này trở thành khách hàng lớn nhất, chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu gạo của nước ta.

W-xuat khau gao.png
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh về mức đáy lịch sử. Ảnh: Tâm An

Giá trị xuất khẩu gạo Việt sang Trung Quốc từ năm 2012-2016 duy trì tương đối ổn định. Năm 2017, gạo xuất sang thị trường này tăng đột biến, đạt gần 1,03 tỷ USD, chiếm gần 40% trong tổng giá trị xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc năm 2019 bất ngờ sụt giảm về mức 240,3 triệu USD, nhưng nhanh chóng hồi phục ở các năm sau đó.

Còn với con số 141,2 triệu USD, gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc chính thức “thủng đáy” lịch sử, khi thấp hơn nhiều con số kim ngạch 192,9 triệu USD của cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, gạo Việt còn nhận thêm những tin xấu khiến giá mặt hàng này được dự báo sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới.

Cụ thể, mới đây Indonesia – khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt – ra thông báo huỷ phiên đấu thầu mua 340.000 tấn gạo. Theo đó, cơ quan Bulog của Indonesia đã điều chỉnh nội dung ban hành đợt đấu thầu quốc tế, muốn mời thêm Ấn Độ tham gia, thay vì chỉ mua gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Pakistan như các lần mời thầu trước đây.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 của Ấn Độ được nâng lên 3 triệu tấn, lên 21 triệu tấn và xuất khẩu gạo của Brazil, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam được hạ thấp hơn trước.

Với động thái của Ấn Độ gỡ bỏ lệnh xuất khẩu gạo, giảm thuế xuất khẩu gạo lứt và gạo đồ từ 20% xuống 10%, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhìn nhận, việc này chắc chắn ảnh hưởng đến giá xuất khẩu của nước ta. Do đó, các doanh nghiệp, hiệp hội cần theo dõi sát sao để không bị động.

Ông Hải cũng nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đang thực hiện chủ trương chuyển sang sản xuất các loại gạo chất lượng cao, gạo có tính đặc thù như gạo thơm. Điều này giúp Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm, không bị “đụng hàng” với các loại gạo Ấn Độ xuất khẩu và hạn chế được khả năng bị ảnh hưởng.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ngày 24/10 giảm còn 531 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 503 USD/tấn và gạo 100% tấm ở mức 432 USD/tấn.

Trong tháng 9 vừa qua, giá trung bình xuất khẩu gạo của Việt Nam ở mức 609 USD/tấn – mức thấp nhất trong một năm qua, đồng thời cũng là tháng đầu tiên trong năm 2024 ghi nhận giá xuất khẩu tăng trưởng âm so với tháng cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, luỹ kế 9 tháng năm 2024, giá trung bình xuất khẩu gạo của nước ta vẫn đạt 624 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Người Trung Quốc mê sầu riêng từ cơm đến vỏ, Việt Nam trúng đậm 2,66 tỷ USDTrung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Người dân ở quốc gia tỷ dân này mê sầu riêng đến mức ăn từ cơm đến vỏ. Nhờ đó, Việt Nam trúng đậm 2,66 tỷ USD chỉ trong 9 tháng.