Sầu riêng rộng cửa chiếm ngôi đầu
Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết: Dù Thái Lan đang vào vụ thu hoạch nhưng xuất khẩu sầu riêng của VN vẫn không bị ảnh hưởng nhiều, do nhu cầu của thị trường Trung Quốc còn rất lớn. Hiện tại, miền Tây đang vào cuối vụ, sản lượng hạn chế nhưng ở các tỉnh miền Đông lại đang bắt đầu vào vụ sầu riêng, sau đó là các tỉnh Tây nguyên. Đây là điều thuận lợi của sầu riêng VN vì được thu hoạch liên tục gần như quanh năm. Hiện giá mua sầu riêng tại vườn dao động từ 50.000 – 70.000 đồng/kg.
Ngoài sầu riêng thì xuất khẩu bưởi da xanh đi Mỹ cũng đang thuận lợi. Tuy nhiên, ở thị trường Mỹ, một số loại trái cây khác lại không quá khả quan do bị cạnh tranh gay gắt từ các loại trái cây của khu vực Nam Mỹ, cũng đang vào vụ thu hoạch.
Theo các doanh nghiệp, ngoài sầu riêng, thời gian qua xuất khẩu nhiều mặt hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng tốt như: thanh long, chuối, mít, xoài, chanh dây (leo)… Báo cáo sơ bộ của cơ quan hải quan cho biết riêng trong tháng 5, xuất khẩu rau quả đạt 466 triệu USD, tăng tới 19% so với tháng 4 và tăng gần 81% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 đạt trên 1,8 tỉ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong nhóm 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả VN 4 tháng đầu năm, Hà Lan tăng trưởng mạnh nhất với 72%. Đáng chú ý, thị trường quan trọng nhất vẫn là Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng gần 30%. Trung bình từ đầu năm đến nay, mỗi tháng Trung Quốc nhập khẩu rau quả từ VN trên 200 triệu USD.
Tính đến hết tháng 4, giá trị xuất khẩu thanh long và sầu riêng đang tương đương nhau với tỷ lệ khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành rau quả. Tuy nhiên, hiện nay xuất khẩu thanh long đang chậm lại do Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch và sức tiêu thụ kém. Còn sầu riêng tiếp tục đón nhận tin vui khi mới đây, phía Trung Quốc đã cấp thêm 47 mã số vùng trồng và 18 mã số cơ sở đóng gói cho sầu riêng VN.
Hơn 20 tỉ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm
Như vậy, đến thời điểm này VN đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết đơn vị này đang làm việc với Hải quan Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi hồ sơ cho phía Trung Quốc. Đây là tin vui với nhiều nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng VN, vì điều này đồng nghĩa với việc sắp tới sản lượng và giá trị xuất khẩu sầu riêng tiếp tục gia tăng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, cho biết trong bối cảnh khó khăn hiện nay ở nhiều ngành hàng và nhiều thị trường thì việc tăng trưởng của ngành rau quả và những tín hiệu tích cực gần đây là điều rất đáng mừng. Đối với trái sầu riêng thì riêng thị trường Trung Quốc có dung lượng đến 4 tỉ USD, với việc họ tiếp nhận thêm nhiều nguồn cung từ VN và các nước khác, đồng nghĩa họ muốn có sự cạnh tranh. Đây cũng là cơ hội thị trường cho sầu riêng VN. Ngay như tháng 8.2022, khi sầu riêng VN có giấy phép thông hành, chỉ trong 2 tháng đã xuất khẩu được 396 triệu USD.
Đưa rau quả vươn xa
Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu rau quả cũng tăng trưởng khá tốt ở nhiều thị trường quan trọng khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, UAE hay Malaysia. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, người được mệnh danh là “vua chuối”, cho biết: Dù nhiều lĩnh vực khác đang gặp khó khăn nhưng xuất khẩu chuối vẫn đang thuận lợi ở các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện tại, các đối tác vẫn duy trì nhập hàng đều đặn với giá cả ổn định. “Chúng tôi tin rằng thị trường sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới. Đây là một trong những mặt hàng chủ lực của rau quả, trong năm 2022 xuất khẩu chuối đạt kim ngạch trên 310 triệu USD, tăng trưởng 35%”, ông Huy chia sẻ.
Còn theo ông Tùng, hiện nay kinh tế xanh hay nông nghiệp xanh đang là xu hướng của sự phát triển. Nếu muốn duy trì và phát triển, doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn SMETA (thực hành đạo đức trong kinh doanh và trách nhiệm xã hội). Hiện nay, các nhà nhập khẩu chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp VN muốn duy trì mạch phát triển xuất khẩu thì phải đầu tư ngay từ bây giờ, nếu không sẽ mất rất nhiều thời gian và cơ hội.
TS Hạ Thúy Hạnh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT), cho rằng: Đối với thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc, chúng ta cũng cần tổ chức sản xuất lại cho phù hợp với xu thế mới. Hiện nay, hàng hóa tiểu ngạch hầu như khó khăn để xuất khẩu vì phía Trung Quốc quản lý chặt chẽ hơn theo hướng sản phẩm cần có chứng nhận mã vùng trồng, mã đóng gói, truy xuất nguồn gốc…
Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp đầu tàu quan trọng không chỉ hướng dẫn cho bà con nông dân sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu mà còn là vấn đề văn hóa giao dịch, thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, bà con tuân thủ theo quy trình nhất định vì liên quan đến cam kết, hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm… Hy vọng thời gian tới, doanh nghiệp và bà con nông dân sẽ liên kết với nhau chặt chẽ hơn nữa vì tình trạng mạnh ai nấy bán sẽ không phù hợp để phát triển.
Các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành rau quả cho rằng, những năm trước gặp rất nhiều khó khăn do chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc. Từ cuối năm 2022 đến nay, nước này chính thức mở cửa trở lại và tăng cường nhập khẩu rau quả từ VN, nếu duy trì đà tăng trưởng như hiện tại thì rau quả chẳng những sẽ đạt mà còn vượt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 4 tỉ USD.
CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 29.5: Taxi điện hoạt động tại sân bay | Mỹ đạt thỏa thuận tránh vỡ nợ