Tuy nhiên thời gian gần đây lại phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng, yêu cầu phải được chấn chỉnh ngay.
Những hiện tượng gây quan ngại
Khi vụ mùa sầu riêng ở miền Tây kết thúc còn miền Đông vẫn chưa vào vụ, đã xảy ra tình trạng thương lái thu mua sầu riêng non để không bị đứt nguồn hàng. Giữa tháng 6, ngành chức năng nhiều địa phương Đông Nam bộ phải lên tiếng cảnh báo về việc thu hái sầu riêng non.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tú, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đạ Huoai (Lâm Đồng) khuyến cáo bà con nông dân và giới tiểu thương không thu hoạch sầu riêng chưa đủ độ chín để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của sầu riêng địa phương.
Không chỉ tại Lâm Đồng, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cũng cho biết có tình trạng tranh mua, tranh bán sầu riêng, kể cả tình trạng thu hái trái non. Việc thu hái sầu riêng non sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam, người trồng sầu riêng cần tỉnh táo, không nên vì cái lợi trước mắt.
Theo ông Nguyễn Văn Tú, trên địa bàn huyện được phê duyệt 7 mã vùng trồng sầu riêng với diện tích 325 ha. Việc tuân thủ các quy định về mã số và chất lượng sẽ góp phần bảo vệ nhãn hiệu sầu riêng Đạ Huoai, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống người dân và tăng nguồn thu ngân sách địa phương, đồng thời cũng góp phần tạo điều kiện cho 39 vùng trồng (1.625 ha) đang chờ sẽ được thuận lợi trong việc phê duyệt. Thế nên, kiểm soát chất lượng sầu riêng là việc phải được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt để bảo vệ uy tín cho mặt hàng tỉ USD này.
Tương tự, câu chuyện thời sự hơn là gần đây (ngày 27.6), Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc thông báo sản phẩm ớt đỏ khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Cụ thể, lô hàng ớt khô của Công ty TNHH Long Thành (Hải Dương) sản xuất năm 2022 có mức dư lượng tricyclazone từ 0,02 – 0,04 mg/kg, vượt mức cho phép của Hàn Quốc là 0,01 mg/kg. Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), đây chỉ là trường hợp cá biệt, không ảnh hưởng đến xuất khẩu ớt của Việt Nam sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu phải có trách nhiệm tuân thủ nghiêm túc yêu cầu của thị trường nhập khẩu, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín nông sản Việt Nam nói chung.
Còn tại thị trường EU trong nhiều năm qua, theo Bộ Công thương, các sản phẩm như ớt chuông, đậu bắp và thanh long vẫn thuộc diện theo dõi về chất lượng và chịu tần suất kiểm tra về chất lượng tại cửa khẩu từ 20 – 50%. Điều này có nghĩa là các mặt hàng nông sản nêu trên không có thay đổi so với quy định của EU, trong khi mặt hàng mì ăn liền đã được đưa ra khỏi danh sách giám sát chất lượng.
Có thể nói chất lượng và độ an toàn của nông sản Việt Nam nói chung trong những năm qua không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, những câu chuyện kể trên cho thấy một bộ phận không nhỏ nông dân, thương lái, doanh nghiệp vẫn có tâm lý chụp giựt, có thể ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt khi xuất khẩu.
Tăng chất lượng hướng đến mục tiêu chục tỉ USD
Trở về sau chuyến học tập kinh nghiệm xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan, ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phía nam Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết: Thái Lan cũng từng gặp rất nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng trái sầu riêng như Việt Nam hiện tại, đặc biệt là hái non khi sầu riêng chưa đủ tuổi, sầu riêng kém chất lượng. Nhưng trước đây gần như một mình một chợ nên họ cũng không quá lo.
Từ khi có thêm đối thủ, Thái Lan càng tập trung vào chất lượng thay vì cạnh tranh về số lượng và giá cả. Ví dụ như trước đây họ chỉ dùng máy đo độ ngọt để giám sát chất lượng sầu riêng thì nay họ nghĩ ra cách đo chất bột (độ khô) để tính xem sầu riêng đã đủ tuổi để thu hoạch hay chưa. Trước đây độ khô này là 32% thì nay nâng lên tới 35%.
“Thái Lan có hàng loạt giải pháp để hạn chế thu hoạch sầu riêng non như đưa vào luật, nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý hình sự chứ không chỉ là phạt hành chính. Để thực thi luật này hiệu quả, ở các vùng trồng sầu riêng họ có các cơ quan chuyên môn giám sát. Các đơn vị này có nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra về chất lượng trước khi sầu riêng được thu hoạch. Đó chính là lý do vì sao chất lượng sầu riêng Thái Lan ngày càng cao. Bên cạnh đó, họ cũng không ngừng tạo ra các giống mới với chất lượng vượt trội để chiếm lĩnh thị trường ở những phân khúc cao hơn. Ở Việt Nam, diện tích vùng trồng thời gian gần đây tăng mạnh và vượt 110.000 ha. Nhưng vấn đề không phải là diện tích nhiều hay ít mà cái chính là chất lượng sản phẩm của mình đến đâu. Vì thị trường Trung Quốc rất rộng lớn nhưng chúng ta phải không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường. Chúng ta không chỉ có thị trường Trung Quốc mà thị trường người gốc Á ở khắp thế giới rất rộng lớn”, ông Mười nói.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhận định: Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi với thị trường tiêu thụ rộng lớn là Trung Quốc, nhưng chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường này. Việt Nam vẫn thua Thái Lan và cả Ecuador về kim ngạch xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc. Chúng ta nên hướng tới việc khai thác tối đa lợi thế của mình và đặt mục tiêu từng bước vượt qua cả hai nước này để trở thành nguồn cung hàng lớn nhất cho Trung Quốc. Nếu làm được như vậy, giá trị xuất khẩu rau quả có thể đạt đến con số chục tỉ USD. Đây là điều chúng ta có tiềm năng và khả năng thực hiện được.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: Chỉ riêng mặt hàng ớt, thị trường Hàn Quốc mỗi năm nhập khẩu trên 10 triệu USD. Đối với các thị trường xuất khẩu ớt hiện nay, trong đó có Hàn Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã nhiều lần hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm các yêu cầu của phía đối tác. Cụ thể, một trong các điều kiện tiên quyết của các lô ớt trước khi xuất khẩu là phải đưa mẫu vào các phòng xét nghiệm để kiểm tra, loại trừ tồn dư hóa chất mà phía Hàn Quốc cấm.
Ngoài Hàn Quốc, chúng ta cũng đang đàm phán để ký nghị định thư xuất khẩu ớt chính ngạch sang Trung Quốc. Khi đã ký được nghị định thư với Trung Quốc, sản lượng ớt xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. “Nâng cao chất lượng và độ an toàn của nông sản là vấn đề mà ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh thực hiện trong nhiều năm qua. Đây là vấn đề lâu dài và liên tục để nâng cao chất lượng, thương hiệu và uy tín của nông sản Việt Nam không chỉ cho xuất khẩu mà cả thị trường trong nước. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp”, ông Trung nói.