Một số doanh nghiệp lãi tăng bằng lần
Quý II/2024, Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã: TCM) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 847 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 72 tỉ đồng, cao gấp 31 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 7 quý trở lại đây của công ty này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.781 tỉ đồng, và lợi nhuận trước thuế đạt 170 tỉ đồng, lần lượt tăng 12% và 95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng may mặc mang lại nguồn thu chủ yếu với 1.746 tỉ đồng. Tiếp theo là mảng dịch vụ sức khỏe với doanh thu 33 tỉ đồng, còn lại đến từ hoạt động khác.
Trong 6 tháng đầu năm, Dệt may Thành Công chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Á với tỉ trọng 70%. Trong khi đó, thị trường châu Mỹ chiếm 25% và châu Âu chiếm 4%. Kết thúc 6 tháng, doanh nghệp báo lãi sau thuế 135 tỉ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) cũng vừa ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc. Theo đó, quý II/2024, doanh thu thuần Dệt may TNG tăng 9% lên hơn 2.173 tỉ đồng – đây cũng là mức doanh thu theo quý cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp.
Lợi nhuận gộp tăng tới 48% lên 358 tỉ đồng kéo theo biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện từ 12% lên 16,5%. Sau khi trừ thuế và các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Thương mại TNG đạt 86,4 tỉ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của Công ty trong vòng gần 2 năm qua.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của Thương Mại TNG đạt gần 3.527 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 129 tỉ đồng, lần lượt tăng 6% và 37% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2024, Thương mại TNG đặt mục tiêu doanh thu dự kiến 7.900 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 310 tỉ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, Công ty đã thực hiện 44,6% kế hoạch doanh thu và 41,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) cũng ghi nhận lãi sau thuế gần 132 tỉ đồng trong quý II, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi cao nhất 7 quý của công ty. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn đạt 204 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Vẫn còn tình trạng không có đơn hàng
Trong khi đó, CTCP Garmex Sài Gòn (Mã: GMC) ghi nhận doanh thu thuần quý II/2024 chỉ ở mức 1,5 tỉ đồng, cùng kỳ năm 2023, con số này thậm chí chỉ vỏn vẹn 101 triệu đồng. Tuy nhiên, khoản doanh thu này có đến 1,4 tỉ đồng từ doanh thu mua bán máy thanh lý đã qua sử dụng.
Trong kỳ, công ty không phát sinh doanh thu bán hàng thành phẩm do không có đơn hàng nên cũng không ghi nhận chi phí giá vốn hàng bán. Dù vậy, Garmex Sài Gòn có 1,7 tỉ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi ngân hàng. Khoản thu nhập khác tăng 6 tỉ đồng từ thanh lý tài sản không sử dụng.
Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng 484 triệu đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ hơn 12 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Garmex Sài Gòn báo lãi sau thuế 755 triệu đồng trong khi cùng kỳ lỗ 33 tỉ đồng, chủ yếu nhờ khoản thu nhập từ thanh lý tài sản không sử dụng và giảm khoản chi phí thu nhập hoãn lại 11,7 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) cũng ghi nhận tình hình ảm đạm với 303 tỉ đồng doanh thu thuần và lãi gộp chưa đầy 10 tỉ đồng, lần lượt giảm 26% và 84% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình của Sợi Thế Kỉ, nguyên nhân do doanh số bán hàng thấp và ghi nhận chi phí ngưng máy vào giá vốn hàng bán khi công ty ngưng nhiều máy nhằm hạn chế gia tăng thêm thành phẩm tồn kho trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu. Đơn vị cũng chịu tác động kép từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, công ty báo lỗ sau thuế gần 56 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lãi hơn 37 tỉ đồng. Đây cũng là mức lỗ cao nhất trong một quý từ trước đến nay.
Luỹ kế nửa đầu năm, Sợi Thế Kỷ lỗ gần 55 tỉ đồng và cách rất xa mục tiêu có lãi 300 tỉ đã được đề ra.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/xuat-khau-phuc-hoi-loi-nhuan-nganh-det-may-phan-hoa-manh-1378494.ldo