“Trong năm 2025, chúng ta không nên quá kì vọng vào sự tăng trưởng của ngành trái cây nói riêng và nông sản nói chung, mà nên chú trọng tăng cường “sức khoẻ” của ngành; tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng hơn nữa nhằm ứng phó tốt hơn với các biến đổi ngày càng khó của thị trường”.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết như vậy khi trao đổi với PV tại tọa đàm “Xuất khẩu nông sản năm 2024 – Kỷ lục mới, vị thế mới”, do Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Văn phòng Bộ Nông nghiệp PTNT tổ chức mới đây.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, xuất siêu 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Để đạt được những con số kỷ lục này, theo ông nguyên nhân do đâu?
– Tôi cho rằng đây là kết quả của quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh; là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực, điển hình như sầu riêng, dừa tươi, tổ yến…
Có thể nói tôi cũng khá bất ngờ trước con số tổng kết 11 tháng của xuất khẩu nông lâm thủy sản. Chỉ ví dụ riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt cả năm 2023 tới 1 tỷ USD. Thực sự rất ấn tượng.
Con số tổng kết kim ngạch xuất khẩu rau quả cách đây 2 năm chỉ là 3,4 tỷ USD thôi, song hiện nay đã tăng gấp đôi, điều này phản ánh cả quá trình phát triển và mở cửa thị trường chứ không chỉ trong một hay hai năm.
Chúng ta mất trung bình từ 3-5 năm để đàm phán mở cửa thị trường cho một sản phẩm. Với sản phẩm yêu cầu kỹ thuật thì thời gian đòi hỏi dài hơn. Ví dụ như sầu riêng, để có thể đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng như hôm nay thì từ những năm 2016, 2017, chúng ta đã xây dựng hồ sơ kỹ thuật và trải qua rất nhiều bước, nhiều khâu đàm phán mới được phía Trung Quốc chấp thuận.
Lĩnh vực xuất khẩu nông sản nói chung có kết quả như hiện nay, ngoài vai trò đóng góp của các sản phẩm thì có đóng góp lớn từ năng lực của cơ quan chuyên môn, có cả yếu tố quan trọng nữa là nhận thức của các đơn vị sản xuất, xuất khẩu đã tuân thủ các quy định trong vai trò duy trì và mở rộng thị trường. Chúng tôi hy vọng xuất khẩu nông sản tiếp tục duy trì sự tăng trưởng trong thời gian tới.
Một trong những thành tựu của ngành nông nghiệp trong năm qua là chúng ta đã thành công trong việc ký kết nghị định thư để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Theo ông, yếu tố nào để chúng ta có thể đàm phán thành công như vậy?
– Có thể nói thuận lợi lớn nhất trong đàm phán ký kết nghị định thư để mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu thời gian qua, đó là chúng ta có những sản phẩm tiềm năng, đặc sản thế mạnh để xuất khẩu. Bởi không có sản phẩm tốt thì chúng ta không thể có đàm phán được.
Thứ nữa, Nhà nước cũng dành nguồn lực lớn cho công tác đàm phán mở cửa thị trường. Chúng tôi đã có những chuyến công tác tới các nước xuất khẩu để tìm hiểu thị trường, trau dồi các kỹ năng đàm phán hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, trình độ sản xuất nông nghiệp hiện nay của chúng ta đã được cải thiện nhiều, chúng ta tự tin đưa sản phẩm có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường. Điều này cũng tạo thuận lợi lớn khi chúng ta đàm phán đẩy mạnh xuất khẩu.
Cuối cùng các chương trình sản xuất rải vụ, tái canh đã đem đến lợi thế cho các sản phẩm của chúng ta trong công tác đàm phán. Kinh nghiệm của chúng tôi cũng tạo sự tự tin, xây dựng được các hạ tầng kỹ thuật đáp ứng công tác đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Trong hành trình đó, ông nhận thấy nông sản của nước ta có những điểm yếu, khó khăn gì?
– Khi ra thị trường thế giới, thách thức muôn vàn. Trong đó, muốn cạnh tranh trong xuất khẩu chúng ta phải có sản phẩm độc đáo, riêng biệt. Sản phẩm đó ngoài việc phải đủ điều kiện đáp ứng thị trường của họ, mà còn phải khác với sản phẩm của các nước khác. Khó có mô hình nào để chúng ta có thể áp dụng mà chúng ta phải tự chủ động tìm hiểu, sáng tạo nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Các nước nhập khẩu cũng ngày càng tăng mức độ quản lý, quy định thay đổi liên tục, gây khó khăn trong nắm bắt của người sản xuất, tạo sức ép và nguy cơ không nắm bắt và tuân thủ được các quy định của chúng ta. Ngoài ra khó khăn nữa của nông nghiệp Việt Nam là sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sản phẩm đồng đều, chưa có nguồn hàng lớn.
Ông có thể cho biết chiến lược phát triển các sản phẩm mới trong đàm phán sắp xuất khẩu sắp tới là gì?
– Trong quá trình đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh nói riêng và các nông sản khác sang thị trường Trung Quốc nói chung, phía Cục BVTV đã thống nhất được những điều khoản thoả thuận vừa phù hợp với những quy định của nước bạn, nhưng cũng phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất của Việt Nam, mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, HTX, người dân… cả về chi phí đầu vào lẫn thủ tục hành chính.
Chúng ta có thể rút ngắn đàm phán về các đề xuất, nhưng nếu điều này chưa phù hợp với sản xuất của ta thì ý nghĩa của việc rút ngắn này không nhiều.
Do đó, với bất kỳ sản phẩm nào đàm phán đều phải có tìm tòi từ trước. Chúng tôi chủ động tìm hiểu sản phẩm đó ở ta sản xuất như thế nào, đâu là biện pháp tối ưu, ngoài ra cũng cần tìm hiểu quy định nước nhập khẩu để xem họ đưa ra quy định thế nào để sẵn sàng đàm phán.
Chúng ta có thông tin, nhưng chưa có dữ liệu thì phải củng cố dữ liệu để làm căn cứ cho việc đàm phán, đôi khi chỉ một thay đổi nhỏ trong quy định xuất khẩu nhưng mang lại lợi ích rất lớn.
Tôi chỉ ví dụ: Trung Quốc yêu cầu quản lý vườn sầu riêng dịch hại thấp, ruồi đục trái, đây là bệnh phổ biến ở Việt Nam, vậy ta ứng phó thế nào? Chúng tôi đã cung cấp cho họ các thông tin rằng, ruồi không tấn công trái sầu riêng, mà chúng ta chỉ cần một thay đổi nhỏ là kiểm soát quả sầu riêng, quả nứt đưa ra khỏi chuỗi xuất khẩu là kiểm soát được ruồi này, và Trung Quốc đã chấp nhận.
Nhờ đó, chúng ta giảm được chi phí, công sức để xử lý ruồi đục trái, không phải ghi chép để mất thời gian. Điều đó cho thấy, nếu chúng ta chủ động tìm hiểu, đàm phán thì sẽ rất tốt.
Ai cũng phấn khởi trước kết quả xuất khẩu nông sản năm 2024, vậy ông có dự báo gì cho năm 2025?
– Những khó khăn, thách thức về mở cửa thị trường sẽ ngày càng nhiều, nhất là nhiều nước đang có xu hướng nâng cao các thách thức đó. Tôi cho rằng đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển.
Về phía chúng ta, do sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc nên để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh về chi phí logistic, hạ tầng, kho lạnh còn chưa đáp ứng được.
Thách thức lớn trong giai đoạn tới, tôi cho rằng nằm ở sự tăng trưởng. Sau 3 năm tăng trưởng “nóng”, có thể thấy nguy cơ vi phạm quy định đang hiển hiện trước mắt khi mà các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng sản lượng xuất khẩu mà lại buông lỏng kiểm soát chất lượng. Trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng.
Do đó, năm 2025, tôi cho rằng chúng ta không nên kì vọng quá vào sự tăng trưởng của ngành trái cây mà nên chú trọng tăng cường “sức khoẻ của ngành”; tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng…
Đã đến lúc chúng ta không nên chủ quan với việc tăng kim ngạch con số mấy chục phần trăm như những năm vừa qua, mà lại không để tâm rằng các đối thủ của chúng ta không đứng yên. Họ cũng luôn luôn cải thiện vị trí của họ trên thị trường, cạnh tranh với Việt Nam.
Do đó, về phía các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường các chứng nhận bền vững về trách nhiệm xã hội, môi trường…
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://danviet.vn/xuat-khau-nong-san-2025-chu-trong-tang-cuong-suc-khoe-cua-nganh-hang-chu-luc-cua-viet-nam-20241220144746997.htm