(HQ Online) – Trái với tình cảnh ảm đạm của năm 2023, hơn 1 tháng đầu của năm 2024, xuất khẩu của ngành hàng chủ lực là dệt may có tăng trưởng khả quan.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty TNHH Peony- doanh nghiệp FDI của Singapore (KCN VSIP Bắc Ninh, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: T.Bình. |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (1-15/2/2024), xuất khẩu dệt may thu về 960 triệu USD. Kết quả này đưa kim ngạch từ đầu năm đến 15/2 đạt gần 4,1 tỷ USD, tăng 18,23% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 630 triệu USD).
Đây là kết quả hết sức khả quan khi năm 2023 vừa qua ngành hàng dệt may đối mặt nhiều khó khăn khi kim ngạch chỉ đạt 33,33 tỷ USD, giảm 11,4% (tương ứng giảm tới 4,27 tỷ USD) so với năm 2022.
Về thị trường xuất khẩu (cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 1/2024), Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường quan trọng nhất của ngành hàng dệt may. Cụ thể, xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ đạt 1,32 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 387 triệu USD, tăng 55,2%; Hàn Quốc đạt 285 triệu USD, tăng 17%…
Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may 2024 (VIATT 2024) lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, với triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cũng như dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, ngành dệt may đưa ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.
Đặc biệt, theo ông Lê Hoàng Tài, nhiều nhà sản xuất dệt may quốc tế đã và đang mở rộng hoạt động sang Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa vốn đã phát triển mạnh mẽ. Điều này cho thấy Việt Nam có thế mạnh nhất định trong lĩnh vực dệt may. Hơn nữa, việc là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như RCEP, CPTPP, EVFTA… tiếp tục là những nền tảng tích cực cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới.