Xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1 năm 2023 đạt 46,56 tỷ USD Triển vọng thị trường và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Israel |
Theo số liệu từ Sở Công Thương Thanh Hoá cho thấy, trong tháng 4/2023, tình hình xuất khẩu hàng hoá của tỉnh có xu hướng phục hồi do một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng cho các đơn hàng mới.
Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tháng 4/2023 của tỉnh Thanh Hoá ước đạt 419 triệu USD, tăng khoảng 29% so với tháng trước. Trong tháng 4, một số nhóm hàng đã có dấu hiệu phục hồi và tăng nhẹ so với tháng trước như: May mặc, giầy da tăng khoảng 10%; tinh bột sắn xuất khẩu tăng khoảng 2,3%…
Các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phục hồi. |
Lũy kế giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Thanh Hoá ước đạt 1,41 tỷ USD, đạt 25,5% kế hoạch, bằng 85,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Khảo sát của Sở Công Thương Thanh Hóa cho thấy, đến thời điểm hiện nay đa số các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã hoạt động sản xuất trở lại sau thời gian nghỉ Tết. Một số doanh nghiệp sản xuất giày dép, hàng may mặc sử dụng nhiều lao động đang tích cực tuyển dụng lao động để ổn định sản xuất do có sự biến động số lượng công nhân sau Tết.
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 189 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ với 55 chủng loại hàng hoá. Một số mặt hàng xuất khẩu điển hình: Hải sản các loại xuất khẩu 3.794 tấn (bằng 85,3% so với cùng kỳ); giày dép xuất khẩu đạt 47.224 nghìn đôi (bằng 89,3% so với cùng kỳ); hàng may mặc xuất khẩu đạt 78.215 nghìn sản phẩm (bằng 81% so với cùng kỳ); xi măng 196.812 tấn (bằng 66% so với cùng kỳ); thịt súc sản 158 tấn (bằng 79,8% so với cùng kỳ); đá ốp lát 968 nghìn m2 (bằng 93,5% so với cùng kỳ); ba lô du lịch xuất khẩu 770 nghìn cái (bằng 99,2% so với cùng kỳ); bóng đá xuất khẩu 244 nghìn quả (bằng 97,8% so với cùng kỳ); lưu huỳnh dạng hạt xuất khẩu đạt 60.559 tấn (tăng 47,2% so với cùng kỳ); benzen xuất khẩu đạt 25.430 tấn (bằng 71,4% so với cùng kỳ); P-xylen xuất khẩu đạt 51.884 tấn (bằng 47,8% so với cùng kỳ).
Theo nhận định của Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai, khó khăn về thị trường xuất khẩu vẫn còn kéo dài, đặc biệt là đối với các mặt hàng chủ lực, các thị trường lớn. Do đó, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành, các đơn vị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, nắm bắt tín hiệu phục hồi của từng ngành hàng, từng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.