Ngày 31/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Chỉ thị nhằm khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam.
Diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng so với kế hoạch đầu năm 50 nghìn ha (lên 700.000 ha)
|
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), nội dung của Chỉ thị là những nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và những vấn đề cần tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.
Bộ NN-PTNT có nhiệm vụ theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm 2023; Chỉ đạo các địa phương bám sát đồng ruộng, tổ chức sản xuất đúng theo các hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch.
Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam; Chỉ đạo các cơ quan Kiểm dịch thực vật tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu gạo, giảm tối đa thời gian kiểm tra, hoàn tất thủ tục trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.
Còn đối với Bộ Công Thương, tờ trình nêu cần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo trên cơ sở theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất, nhập khẩu; nhu cầu tiêu thụ; giá cả lương thực trong khu vực và trên thị trường thế giới để có các biện pháp chủ động, linh hoạt điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo để đảm bảo nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan củng cố các thị trường truyền thống, chủ lực, tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để gia tăng giá trị xuất khẩu. Đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Bộ Công Thương phải kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục sản xuất nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật … để đảm bảo các điều kiện sẵn sàng cho sản xuất.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, bám sát đồng ruộng; chủ động và linh hoạt trong điều hành sản xuất lúa gạo đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu năng suất, sản lượng theo kế hoạch trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định kỹ thuật và an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng như nước nhập khẩu.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường lúa gạo thế giới, nhu cầu và năng lực của các thương nhân xuất nhập khẩu gạo để thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cộng đồng sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam; Tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ngành hàng gạo đặc biệt là đối với các thị trường quốc tế để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giao dịch ở mức 588 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với phiên 31/7 và tăng 55 USD/tấn so với trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7. Gạo 25% tấm từ mức 513 USD/tấn phiên 19/7 cũng vọt lên 568 USD/tấn trong phiên giao dịch 1/8. Tương tự, giá gạo 5% và 25% tấm của Thái Lan tiếp đà tăng mạnh trong phiên hôm nay, lần lượt lên mức 623 USD/tấn và 564 USD/tấn. So với phiên 19/7, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng 82 USD/tấn, gạo 25% tấm tăng 62 USD/tấn.
Theo VietNamNet
.