Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 8, Việt Nam đã xuất khẩu 863.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 510 triệu USD. Tính chung 8 tháng vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 6,15 triệu tấn gạo, trị giá gần 3,85 tỷ USD, tăng gần 6% về lượng so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trị lại tăng tới 22%.
Các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam vẫn là các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc. Trong đó, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 2,8 triệu tấn, mang về hơn 1,7 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023, tăng 19,7% về khối lượng và 39,7% về kim ngạch, chiếm hơn 54,3% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Cùng với đó, các doanh nghiệp tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Về giá xuất khẩu bình quân, theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cập nhật ngày 11/9, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 567 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 2 USD/tấn và cao hơn gạo của Pakistan 32 USD/tấn.
Tương tự, giá xuất khẩu bình quân gạo 25% tấm của Việt Nam đạt 533 USD/tấn, cao hơn Thái Lan 15 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 30 USD/tấn.
Về thị trường gạo trong nước, đầu tháng 9, giá mặt hàng gạo 5% tấm có giá bán bình quân 13.536 đồng/kg; gạo 25% tấm có giá 13.233 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 có giá bình quân 14.437 đồng/kg.
Giá bán lẻ mặt hàng này có xu hướng tăng. Sáng 12/9, tại cửa hàng gạo trên đường Khúc Thừa Dụ (Hà Nội) chị Ngọc, chủ cửa hàng, cho biết trước đó khi có thông tin về siêu bão Yagi, giá gạo lấy từ đại lý tăng 100-300 đồng/kg mỗi ngày.
“Các cơ sở sản xuất báo mức tăng. Tuy nhiên, sức mua trên thị trường bán lẻ ở mức vừa phải nên chị chỉ tăng giá bán lẻ ở mức tương đối. So với đầu tuần trước, giá tăng khoảng 1.000-1.500 đồng/kg””, chị cho hay.
Để hỗ trợ xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết đã và đang triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu gạo Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đồng thời triển khai các hoạt động quảng bá gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách.
Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng hướng dẫn Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, cập nhật tình hình xuất khẩu gạo và hỗ trợ thương nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết.
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xuat-khau-gao-mang-ve-gan-4-ty-usd-trong-8-thang-20240912204435102.htm